Cụ thể, phương án 1 là duy trì kéo dài mức sinh như hiện nay, tức tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng sinh hai con nhưng không quy định thành luật. Ở những địa phương đang sinh nhiều con (hơn ba con) thì vận động sinh ít đi để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn.
Ngược lại, những nơi tỉ lệ sinh thấp thì phải vận động nâng mức sinh lên như TP.HCM, Đông Nam bộ.
Phương án 2 là mỗi cặp vợ chồng nên có 1-2 con để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con tốt hơn. Tuy vậy, mặt trái của phương án này là khi mức sinh đã giảm xuống một ngưỡng nào đó thì để tăng mức sinh trở lại là rất khó khăn. Đơn cửa như tại Hàn Quốc, Singapore.
Phương án 3 là cho người dân sinh con thoải mái, tuy nhiên với phương án này rất có thể Việt Nam lại tăng dân số trở lại.
Theo VnExpress, hơn 50 năm qua Việt Nam tập trung xử lý vấn đề dân số tăng quá nhanh và làm thế nào để giảm mức sinh đang quá cao xuống thấp, duy trì mức sinh thay thế 2,1 con trong hơn 10 năm qua. Từ năm 1993 đến nay chính sách dân số chủ yếu là vận động sinh ít con, hầu như không phạt, trừ một số địa phương. Nhóm bị hạn chế sinh là đảng viên, khoảng 3 triệu người. Tuy nhiên, theo ông Tân từ năm 2008 đã có quy định đảng viên sinh con thứ ba thì bị cảnh cáo, sinh con thứ tư thì khai trừ khỏi Đảng. Từ năm 2011-2012, chính sách đã thay đổi, sinh con thứ năm mới bị khai trừ khỏi Đảng, sinh con thứ tư bị cảnh cáo, con thứ ba thì bị nhắc nhở.
Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Tuy nhiên, pháp lệnh này khiến nhiều người dân hiểu sai là Nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con. Vì thế, mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ ba tăng mạnh trở lại. Năm 2009 quy định này được sửa lại thành "mỗi cặp vợ chồng nên có 1-2 con".
Gần đây do xu hướng giảm sinh tại một số tỉnh, thành, ngành dân số có thông điệp linh hoạt hơn là khuyến khích "mỗi cặp vợ chồng nên sinh hai con".