Điều chỉnh nghiên cứu khả thi sân bay Phan Thiết

Ngày 7-11, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký văn bản gửi các sở GTVT; KH&ĐT và Công ty Cổ phần Rạng Đông liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng sân bay Phan Thiết.

Phối cảnh tổng thể sân bay Phan Thiết

Theo đó, để việc đầu tư xây dựng dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết đảm bảo tiến độ, UBND tỉnh yêu cầu các sở GTVT, KH&ĐT phối hợp với nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Rạng Đông khẩn trương triển khai các nhiệm vụ về thủ tục đầu tư dự án.

Cụ thể dự án đầu tư Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) từ tháng 9-2014 và giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án.

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo hình thức BOT, đã trình lấy ý kiến thẩm định của Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan để phê duyệt theo thẩm quyền.

UBND tỉnh cũng đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng BOT. Ngày 23-2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 236/QĐ- TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

UBND tỉnh giao Sở GTVT thay mặt tỉnh ký văn bản thỏa thuận giao nhà đầu tư Công ty Cổ phần Rạng Đông tổ chức lập hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi theo Quy hoạch điều chỉnh đã được Bộ GTVT phê duyệt để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện. Yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn và Sở GTVT hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, Sở GTVT có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh văn bản tham vấn ý kiến HĐND tỉnh theo quy định. Chậm nhất đến ngày 15-1-2019 gửi hồ sơ đến Sở KH&ĐT để tổ chức thẩm định. Sở KH&ĐT chủ trì thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định chậm nhất đến ngày 22-2-2019. 

Về việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, yêu cầu Sở GTVT đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình (thời gian thực hiện khoảng hai tháng), trình Bộ GTVT chủ trì tổ chức thẩm định theo quy định. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán làm cơ sở triển khai thi công xây dựng công trình. Nội dung công việc này phấn đấu hoàn thành trong tháng 5-2019.

 

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Phan Thiết được điều chỉnh quy hoạch sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E để phù hợp với quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc.

Mục tiêu nâng cấp sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác các chặng bay Nội Bài - Phan Thiết, Vân Đồn - Phan Thiết, Cát Bi - Phan Thiết, với các máy bay code E trong giai đoạn đến năm 2030 cũng như khai thác được các loại máy bay quân sự hiện đại nhất hiện nay.

Khi điều chỉnh quy hoạch sân bay Phan Thiết, các cơ quan liên quan đã kéo dài đường cất hạ cánh sân bay từ 2.400 m lên 3.050 m, mặt đường lăn rộng 23 m, dải lăn rộng 43,5 m, đáp ứng các tiêu chuẩn của ICAO. 

Sân đỗ máy bay cũng được mở rộng gồm hai máy bay code E, và bốn máy bay code C.

Nhà ga hành khách sân bay Phan Thiết được mở rộng từ 5.000 m2 lên 19.200 m2, để đạt công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Với quy hoạch điều chỉnh, sân bay Phan Thiết sẽ được chia làm ba khu: Khu bay dùng chung cho cả mục đích dân dụng và quân sự; khu phục vụ hàng không dân dụng gồm sân đỗ máy bay hàng không dân dụng và công trình hàng không dân dụng nằm độc lập; khu quân sự dành riêng đỗ máy bay quân sự, hạ tầng kỹ thuật quân sự.

Tổng vốn đầu tư sân bay Phan Thiết giai đoạn từ nay đến 2020 khoảng 10.272,9 tỉ đồng và giai đoạn định hướng đến 2030 khoảng 332,5 tỉ đồng.

Vốn đầu tư dự án được xác định từ hai nguồn, vốn huy động từ nguồn kinh phí dự phòng của dự án BT khu bay quân sự để đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh và đường lăn.

Phần vốn đầu tư khu hàng không dân dụng sân bay được huy động từ nhà đầu tư BOT - Công ty Cổ phần Rạng Đông. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới