Điều gì kiến tạo nên chiến thắng của ông Trump, bà Harris?

(PLO)- Trong kỳ bầu cử Mỹ năm nay có nhiều yếu tố góp phần làm nên chiến thắng của Phó Tổng thống Kamala Harris hay của cựu Tổng thống Donald Trump.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Dù ông Trump hay bà Harris thắng, bầu cử Mỹ 2024 cũng sẽ tạo nên lịch sử”. Đó là nhận định của nhà sử học Mark Updegrove, chuyên gia nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ của đài ABC News.

Nếu giành chiến thắng, bà Harris sẽ trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên giữ chức tổng thống Mỹ trong bối cảnh nước Mỹ đang gặp ngày một nhiều thách thức hơn về vấn đề phân biệt chủng tộc, giới tính. Còn với ông Trump, ông sẽ trở thành người đầu tiên giành được nhiệm kỳ thứ hai không liên tiếp kể từ năm 1892.

Bầu cử Mỹ- Chuyên-đề-Bầu-cử-Mỹ-P4-5_5.jpg
Cử tri Mỹ sẽ chọn ông Donald Trump hay bà Kamala Harris? Bầu cử Mỹ năm nay được đánh giá là kỳ bầu cử lịch sử. Ảnh: GETTY IMGES

Điều gì làm nên chiến thắng của bà Harris?

Bầu cử Mỹ 2024 là cuộc đua đầy thách thức đối với Phó Tổng thống Kamala Harris khi bà chỉ có vỏn vẹn hơn ba tháng để tranh cử mà đối thủ của bà là cựu Tổng thống Donald Trump đã dày dạn kinh nghiệm tranh cử và chính trường.

Nếu bà Harris giành chiến thắng trong kỳ bầu cử Mỹ năm nay, có thể nói rằng quyền phá thai - điểm sáng nhất trong chiến dịch tranh cử tổng thống của bà đã phát huy tác dụng. Trong hai năm kể từ khi Tòa án Tối cao lật ngược vụ “Roe kiện Wade”, bãi bỏ quyền phá thai trên toàn quốc, đảng Dân chủ đã nhiều lần giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử bang và Quốc hội khi chống lại quyết định này của tòa.

Tận dụng lợi thế đó, trong các chiến dịch tranh cử, bà Harris luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền phá thai, cam kết sẽ bảo vệ và mở rộng quyền tự do sinh sản. Trong các cuộc thăm dò ý kiến trước bầu cử Mỹ, bà Harris cũng dẫn trước ông Trump khá cách biệt trong vấn đề này, vốn là một trong những ưu tiên hàng đầu của cử tri.

Điểm thứ hai có thể lý giải cho chiến thắng của bà Harris là sự ủng hộ của đông đảo cử tri nữ và cử tri da đen trong bối cảnh bà là phó tổng thống da màu đầu tiên ra tranh cử tổng thống. Điểm thứ ba, bà Harris đã chứng minh được với cử tri rằng mình không phải là sự tiếp nối của một nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden mà là một “làn gió mới”, có những cách giải quyết mới cho các vấn đề của đất nước.

Cuối cùng, nếu bà Harris thắng thì rất có thể là do ông Trump đã làm mất lòng nhiều cử tri, khi sự tranh cử của ông không chỉ nhắc nhở họ hình dung về một viễn cảnh đen tối như cuộc bạo loạn tại điện Capitol vào ngày 6-1, mà cả những lời lẽ mang tính đe dọa, phân biệt chủng tộc trong những bài phát biểu vận động tranh cử của ông.

Có thể khó để chứng minh rằng bà Harris thua kỳ bầu cử Mỹ năm nay là do phân biệt giới tính nhưng rõ ràng trong các cuộc thăm dò năm nay, giới tính đóng vai trò lớn trong quyết định bỏ phiếu của người Mỹ.

Nếu ông Trump thắng, điều gì làm nên lịch sử?

Cựu Tổng thống Trump bước vào cuộc đua bầu cử Mỹ năm nay với lượng người ủng hộ nhiệt tình, trung thành và kinh nghiệm tranh cử tổng thống hai lần, vào năm 2016 và 2020.

Chuyên-đề-Bầu-cử-Mỹ-P4-5-Ảnh-3.jpg
Cử tri xếp hàng tại một địa điểm bỏ phiếu ở TP Atlanta, bang Georgia (Mỹ) vào ngày 5-11. Bầu cử Mỹ năm nay được đánh giá là kỳ bầu cử lịch sử.
Ảnh: REUTERS

Theo cuộc thăm dò của đài ABC/Ipsos công bố vào ngày 3-11, có tới 74% cử tri Mỹ nghĩ rằng đất nước đã đi sai hướng. Kể từ năm 1980, chỉ số thống kê này là một trong những dự đoán chắc chắn rằng đảng cầm quyền sẽ mất Nhà Trắng. Tuy vậy, những cuộc thăm dò trên toàn quốc và bảy bang chiến trường đều cho thấy ông Trump và bà Harris “bất phân thắng bại” cho đến ngày bầu cử.

Nếu chiến thắng cuộc đua bầu cử Mỹ năm nay, ông Trump đã thành công trong việc thuyết phục cử tri về vấn đề kinh tế. Ngoài việc cho rằng đời sống kinh tế của người dân khi ông làm tổng thống tốt đẹp hơn, ông Trump còn đánh động mối lo của cử tri về tình hình kinh tế hiện tại.

Vào tháng 10, cuộc thăm dò của tờ New York Times/Siena College cho thấy 75% cử tri cho biết nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ. Nhiều cuộc thăm dò khác cũng cho thấy kinh tế là ưu tiên hàng đầu của cử tri và ông Trump có lợi thế hơn bà Harris trong giải quyết vấn đề này.

Cộng với việc Bộ Lao động công bố báo cáo việc làm cuối cùng trước ngày bầu cử Mỹ cho thấy sự tăng trưởng yếu ớt về việc làm, chủ yếu là do bão và cuộc đình công lớn của công nhân, ông Trump đã chớp lấy thời cơ này, khẳng định chính quyền Biden - Harris đã “đẩy nền kinh tế xuống vực thẳm”.

Bên cạnh kinh tế, mối đe dọa và sự hỗn loạn do nhập cư bất hợp pháp là vấn đề đã định hình nên thương hiệu chính trị của ông. Nếu thắng, ông Trump đã thành công trong việc thuyết phục cử tri về chính sách siết chặt biên giới, trục xuất người nhập cư phạm pháp sau khi vẽ nên các hình ảnh mất an ninh như cướp của, giết người do những người nhập cư gây ra.

Cuối cùng, nếu tái đắc cử, đây sẽ là lần thứ hai trong ba lần ông tranh cử tổng thống, ông đánh bại một ứng cử viên nữ. Điều này một lần nữa cho thấy nhiều cử tri chưa quen khi hình dung có một bà chủ Nhà Trắng. Có thể khó để chứng minh rằng bà Harris thua là do phân biệt giới tính nhưng rõ ràng trong các cuộc thăm dò năm nay, giới tính đóng vai trò lớn trong quyết định bỏ phiếu của người Mỹ.•

Chuyên-đề-Bầu-cử-Mỹ-P4-5_6.jpg
Cử tri xếp hàng đi bầu tại một điểm bỏ phiếu ở TP Wilmington, bang North Carolina (Mỹ) vào ngày 5-11. Ảnh: CNN

Cử tri đi bầu giữa an ninh được siết chặt

Từ 6 giờ ngày 5-11 (giờ miền Đông Mỹ, tức 17 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam), các địa điểm bỏ phiếu tại các bang Connecticut, Indiana, Kentucky, Maine, New Hampshire, New Jersey, New York và Virginia đã mở cửa cho cử tri, theo đài CNN.

Kế đến là các bang North Carolina, West Virginia và Vermont, lúc 6 giờ 30. Những bang có thời gian mở cửa cho cử tri trễ nhất là Arizona, Iowa, Louisiana, Minnesota, North Dakota, South Dakota, Oklahom, Texas và Wisconsin, thời gian bắt đầu bỏ phiếu là 8-9 giờ ngày 5-11.

Về thời gian đóng cửa, một số khu vực ở các bang Indiana và Kentucky sẽ đóng cửa lúc 6 giờ chiều cùng ngày, sớm nhất trong các bang.

Phần lớn các bang còn lại đóng cửa các địa điểm bỏ phiếu từ 8 giờ đến 11 giờ (theo giờ miền Đông).

An ninh trên toàn nước Mỹ, nhất là tại các địa điểm bầu cử đã được thắt chặt vài ngày trước ngày bầu cử.

Từ ngày 3-11, mật vụ Mỹ đã dựng hàng rào kim loại cao gần 2,5 m xung quanh Nhà Trắng và khu phức hợp Bộ Tài chính, các khu vực lân cận cũng như nơi ở của Phó Tổng thống Kamala Harris (ứng cử viên đảng Dân chủ).

Xung quanh điện Capitol, nhiều rào chắn được lắp đặt với biển báo ghi rõ “Ranh giới cảnh sát: Không được vượt qua”.

Một số bang còn kích hoạt các đội an ninh mạng của lực lượng Vệ binh quốc gia.

Tại một số địa điểm bỏ phiếu quan trọng, bao gồm ở bảy bang chiến trường, lực lượng chức năng đã lắp đặt nút báo động, camera giám sát và thậm chí triển khai lính bắn tỉa và máy bay không người lái trước lo ngại về bạo lực, trang Axios đưa tin vào ngày 4-11.

Các thùng phiếu ngoài trời và điểm bỏ phiếu cũng được bảo vệ bằng kính chống đạn, cửa thép và thiết bị giám sát. THẢO VY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm