Dòng Hiệp sĩ Malta là dòng tu Công giáo với gần 1.000 năm lịch sử. Đây hiện là tổ chức viện trợ nhân đạo, có các hoạt động tại các trại tị nạn và các chương trình cứu trợ thiên tai ở khoảng 120 quốc gia trên thế giới, theo đài CNN.
Dòng Hiệp sĩ Malta có tư cách quan sát viên của Liên Hợp Quốc và có hiến pháp riêng, nhưng không có lãnh thổ riêng. Dòng Hiệp sĩ Malta cũng cấp biển số ô tô, tem, tiền tệ và hộ chiếu riêng. Dòng hiệp sĩ Malta hiện có trụ sở tại Rome (Ý).
Hộ chiếu hiếm gặp nhất thế giới
Hộ chiếu đầu tiên của Dòng Hiệp sĩ Malta được cấp vào những năm 1300. Khi ấy, hộ chiếu được cấp cho các nhà ngoại giao của dòng tu khi những người này đi đến các vùng đất khác. Ngày nay, có khoảng 500 người được cấp hộ chiếu của Dòng Hiệp sĩ Malta, khiến đây trở thành hộ chiếu hiếm gặp nhất thế giới.
Hộ chiếu của Dòng Hiệp sĩ Malta có màu đỏ thẫm, được dành riêng cho các thành viên của Hội đồng Chủ quyền, lãnh đạo các cơ quan đại diện ngoại giao của Dòng Hiệp sĩ Malta và gia đình họ. Bên ngoài hộ chiếu được trang trí bằng dòng chữ Dòng Hiệp sĩ Malta màu vàng bằng tiếng Pháp và huy hiệu.
Theo quy định của Dòng Hiệp sĩ Malta, hộ chiếu của các Hiệp sĩ Tối cao có thời hạn lâu nhất. Hiệp sĩ tối cao có nhiệm kỳ trong 10 năm, có thể phục vụ 2 nhiệm kỳ và phải nghỉ hưu trước 85 tuổi.
Các hộ chiếu khác có giá trị trong 4 năm và chỉ cho thành viên các cơ quan đại diện ngoại giao sử dụng. Hộ chiếu có 44 trang, được đóng dấu hình chữ thập, không có hình ảnh hay trích dẫn.
Hộ chiếu được nhiều nước công nhận
Trả lời CNN, ông Eugenio Ajroldi di Robbiate – cựu giám đốc truyền thông của Dòng hiệp sĩ Malta – kể lại rằng ông rất buồn cười khi thấy phản ứng của các nhân viên hải quan lúc họ nhìn thấy hộ chiếu.
“Họ có thể chưa bao giờ nhìn thấy nó trước đây. Một lần khi tôi đến sân bay ở Bangkok (Thái Lan), một đám đông nhân viên kiểm soát hộ chiếu muốn xem hộ chiếu hiếm hoi của tôi và chụp ảnh selfie với nó” – ông Ajroldi di Robbiate kể.
Theo ông Daniel de Petri Testaferrata – một thành viên của Dòng Hiệp sĩ Malta, hộ chiếu ngoại giao của họ được 2/3 thành viên khối Schengen công nhận. Họ cũng hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức như Pháp, Anh và Mỹ.
“Chúng tôi cung cấp vật tư y tế và vật tư nhân đạo nhanh chóng cho các nạn nhân của xung đột hoặc thiên tai. Chúng tôi điều hành các bệnh viện, đội cứu thương, trung tâm y tế, nhà cho người già và người khuyết tật, điều hành các bếp ăn và trạm sơ cứu” – ông Daniel de Petri Testaferrata cho hay.