Đến bây giờ nhiều người vẫn còn rất ấn tượng với lễ khai mạc Năm du lịch Quốc gia 2023 đã diễn ra đêm 25-3-2023 có chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” do Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức.
Đây được xem là sự kiện văn hóa - du lịch lớn nhất từ trước đến nay tại Bình Thuận, là chuỗi sự kiện kinh tế - văn hóa - xã hội, tạo động lực phục hồi ngành du lịch Việt Nam sau thời gian chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Thị xã cũ kỹ ven biển
Ít ai biết, nơi đặt sân khấu vô cùng hoành tráng tại quảng trường NovaWorld Phan Thiết khiến khán giả cả nước trầm trồ chỉ chục năm trước là vùng cát đỏ hoang hóa, không có đường sá đi lại.
Sân khấu cách điệu từ hình ảnh mặt trời và cánh buồm. |
Và cũng ít ai chú ý, cách điệu chính trên sân khấu là hình ảnh mặt trời tỏa sáng mà ngành du lịch Bình Thuận bất ngờ hưởng lợi rồi “lớn lên” và phát triển vượt bậc nhờ những điều kỳ diệu đến từ mặt trời.
Còn nhớ, hơn 30 năm trước trong dịp trò chuyện với chúng tôi, ông Đặng Văn Hải (tức Ba Hải), người giữ chức chủ tịch tỉnh Bình Thuận đầu tiên khi tách tỉnh cho biết năm 1992 khi tách tỉnh, trong ngân sách chỉ còn đúng 2 tỉ đồng.
Du lịch Bình Thuận lúc đó là con số 0 trong điều kiện điểm xuất phát của nền kinh tế rất thấp, kết cấu hạ tầng vô cùng nghèo nàn.
Đường đi Mũi Né trước đây rợp bóng dừa nhưng đầy cát. |
Thị xã Phan Thiết đầu tháng 10-1995 cũ kỹ và hoang vắng sau 3 năm tỉnh Bình Thuận được tái lập nhưng bất ngờ được đánh thức sau tiếng gà gáy giữa trưa dưới chân lầu ông Hoàng.
Sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24-10-1995 được các nhà khoa học thế giới công bố và đặc biệt Phan Thiết là nơi nhìn thấy rõ nhất có thể nói đã cho vùng đất này hưởng lợi.
Cả thị xã chỉ có vài cái nhà nghỉ, nhà trọ cũ mèm. Mùi nước mắm bốc lên khắp nơi. May mà khách sạn Novotel nằm cạnh bờ biển vừa được sửa chữa, nâng cấp sau khi tỷ phú người Mỹ Larry Hillblom mua lại khách sạn Vĩnh Thủy cách đó vài năm.
Novotel nằm sát khu đầm lầy mà sau này mới thành sân golf và phía ngoài lộ là những căn lều dựng vội bán cà phê nhưng thực chất tập trung những cô gái mặt trét đầy son phấn rẻ tiền.
Hơn 200 nhà vật lý thiên văn; vật lý hạt cơ bản từ 37 quốc gia mà có những người từng đoạt giải Nobel như Norman Foster Ramsay người Mỹ (Nobel vật lý 1989); Georges Charpak, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp (Nobel vật lý 1992) đăng ký đến Phan Thiết.
Tem bưu chính giới thiệu nhật thực vào năm 1995. |
Ngoài ra còn có Đoàn khoa học Apex của Nhật; Đoàn nghiên cứu mặt trời, Viện Hàn lâm khoa học Nga. Thậm chí Đài Thiên văn Paris còn mang theo đủ thứ máy móc và 2 ăngten lưỡng cực sang…
Báo chí liên tục cập nhật về hiện tượng nhật thực toàn phần, một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú và đời người rất ít có cơ hội chứng kiến.
Đặc biệt ngày 24-10-1995 là lần cuối thế kỷ 20 ở Việt Nam được chứng kiến còn muốn xem ở lần tiếp theo tại Việt Nam, phải chờ sang thế kỷ 21 và kéo dài 75 năm nữa, tức đến ngày 11-4-2070.
Nhật thực vực cả làng chài
Vì thế, vừa hiếu kỳ vừa không muốn bỏ qua cơ hội cuối cùng của đời người, hàng chục ngàn người trong và ngoài nước tranh nhau đổ về Phan Thiết bằng đủ thứ phương tiện khiến cái thị xã ven biển nhỏ bé quá tải thật sự.
Rồi nhật thực cũng kết thúc, nắng vàng rực rỡ cũng đến giờ ăn trưa mà quán xá, nhà hàng ở cái thị xã nhỏ bé không thể nào đáp ứng nổi lượng khách đông khủng khiếp.
Biển Bình Thuận hoang sơ và lãng mạn. |
Rất nhiều nhóm đã đổ xô nhau xuống bờ biển kéo dài từ đá ông Địa đến Mũi Né để trải bạt ăn uống. Và tất cả đều bất ngờ bởi những rặng dừa mát mắt, bãi biển xanh ngăn ngắt hoang sơ, đẹp như tranh ở đây nhưng lạ thay chưa có một dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng nào.
Sau hiện tượng nhật thực, người ta đổ xô về Mũi Né tìm cơ hội đầu tư, đất đai lên giá chóng mặt.
Từ khu nghỉ dưỡng Full Moon xây dựng đầu tiên vào năm 1996 của vợ chồng ông Pascal Lefebvre ở Hàm Tiến đến khu dã ngoại của “Bà Năm hòn Rơm” du lịch bằng xe “vùng vịnh” nay Mũi Né đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Khu du lịch Quốc gia.
Bình Thuận đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. |
28 năm, một thời gian chưa đủ dài nhưng du lịch Bình Thuận thay đổi bất ngờ đến kinh ngạc và ngoạn mục. Từ một con lộ đầy cát, đi xe máy rất ít tốn xăng vì toàn phải xuống xe đẩy nay được mệnh danh là “Thủ đô resort” với nhiều kiến trúc châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Việt Nam… vô cùng bắt mắt.
Phan Thiết còn là nơi đón khách quanh năm, sở hữu nhiều lợi thế mà không có thành phố biển nào ở Việt Nam có được. Mũi Né, từng nằm trong top 10 bãi biển đẹp nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương theo đánh giá của trang Skyscanner.
Còn My Destination, chuyên trang du lịch ở London, Anh thì xếp Mũi Né là 1 trong 6 bãi biển đẹp, hấp dẫn nhất Việt Nam.
Đổi thay nhờ du lịch
Du lịch trở thành 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh Bình Thuận. Thu nhập bình quân đầu người từ 1,35 triệu đồng năm 1992 đã tăng lên 56,28 triệu đồng năm 2022, gấp 41 lần.
Bình Thuận có nhiều lợi thế, là cầu nối giữa Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. |
Năm 1992, khi tách tỉnh, ngân sách chỉ có vỏn vẹn 2 tỷ đồng, đến nay Bình Thuận đã thu ngân sách đạt hơn 13.000 tỉ đồng, đứng thứ 23 trên cả nước. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của tỉnh đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 2/14 tỉnh, thành trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Đặc biệt 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây vừa thông xe đã thực sự là đường băng cho du lịch Bình Thuận cất cánh. Chỉ trong mấy ngày lễ 30-4 và 1-5-2023, du lịch Bình Thuận đã đón hơn 160 ngàn du khách trong và ngoài nước.
Một góc Khu du lịch Quốc gia Mũi Né. |
Và như cây viết Bryan Reyes của chuyên trang du lịch nổi tiếng thế giới The Travel đã phải viết:“Phan Thiết - Mũi Né: 'Không cần bà tiên cũng thật kỳ ảo'.
Tuy nhiên đó vẫn chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ bởi muốn vùng đất này cất cánh thì như Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã chia sẻ “Cần phải xây dựng sản phẩm du lịch hết sức đặc sắc; dịch vụ phải chuyên nghiệp; thủ tục phải thuận tiện, đơn giản; giá cả phải mang tính cạnh tranh; môi trường phải xanh-sạch-đẹp; điểm đến phải an toàn, văn minh và thân thiện”.
Hay như Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu trong Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2023 khi tin tưởng Bình Thuận sẽ biến bất lợi về thời tiết thiên nhiên khô khan, nắng gió thành thương hiệu riêng “biển xanh-cát trắng-nắng vàng” trong suốt chiều dài phát triển…
Bình Thuận nổi tiếng với nắng vàng-cát trắng-biển xanh. |
Từ đồi Bài Nài hướng tầm mắt về Thiện Nghiệp nơi dự án sân bay Phan Thiết đang thi công mà Thủ tướng vừa đồng ý điều chỉnh quy mô thành một trong 3 sân bay lớn nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng…Chúng tôi bỗng nhớ lại 28 năm trước, cũng đứng trên ngọn đồi này cạnh phế tích Lầu ông Hoàng đầy lùm bụi, cỏ dại xem nhật thực.
Hồi đó, ai cũng bật cười khi nghe tiếng gà dưới chân đồi gáy le te bởi trời bỗng tối rồi bỗng sáng. Có ai ngờ đó lại là tiếng gà gáy đánh thức rồi đổi thay vùng đất này, đánh dấu Mũi Né - Phan Thiết có tên và nổi tiếng trên bản đồ du lịch toàn cầu.