TAND huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai vừa trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp yêu cầu điều tra lại vụ ông Lê Thanh Sử (38 tuổi) bị truy tố về tội cố ý gây hư hỏng tài sản vì có nhiều mâu thuẫn, nhiều chi tiết cần làm rõ. Đây là vụ án gây tranh cãi giữa các cơ quan tố tụng liên quan đến giá tài sản bị thiệt hại, ảnh hưởng đến việc xác định bị cáo có tội hay không.
VKS: Truy tố đúng
Trước đó Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Cửu có kết luận điều tra bổ sung lần ba với nội dung: Vì hội đồng định giá (HĐĐG) tài sản từ chối xác định giá trị còn lại của kính xe nên căn cứ vào kết quả giám định tài sản lần thứ hai là 2,8 triệu đồng để xử lý.
Ngày 5-2, VKSND huyện tiếp tục ra cáo trạng truy tố ông Sử về tội cố ý gây hư hỏng tài sản. Nhận được cáo trạng, ông Sử đã có đơn khiếu nại và ngày 13-2, VKSND huyện có văn bản trả lời theo hướng việc ban hành cáo trạng truy tố là đúng.
Theo đó, VKSND huyện căn cứ vào bản kết luận giám định của HĐĐG tài sản trong tố tụng hình sự huyện Vĩnh Cửu. Việc ông Sử khiếu nại kết quả định giá không trừ khấu hao tài sản đã qua sử dụng thuộc trách nhiệm của HĐĐG. Vì vậy VKSND huyện giữ nguyên cáo trạng cũ, xác định giá trị thiệt hại ông Sử gây ra là 2,8 triệu đồng.
Kính chắn gió sau của chiếc ô tô đã được thay mới. Ảnh: VH
Tòa: Phải điều tra lại
Theo TAND huyện, hồ sơ vụ án thể hiện ông Sử dùng cục gạch ống để ném về phía chiếc xe và việc này có lập biên bản ngay sau đó. Trong biên bản của công an xã thì lại thể hiện ông Sử ném hai lần với hai cục gạch khác nhau. Tuy nhiên, trong hồ sơ lại không thể hiện việc này nên cần phải làm rõ.
Cạnh đó, cơ quan CSĐT không thu giữ tang vật vụ án, không niêm phong tang vật dẫn đến không xác định được cục gạch nào làm vỡ kính xe. Như vậy theo tòa, việc thu giữ tang vật là không đảm bảo về mặt tố tụng.
Ngoài ra, trong quyết định trả hồ sơ của TAND huyện chỉ ra rằng hai biên bản thu hồi tang vật ngày 6-4-2016 và ngày 28-10-2016 có nội dung giống nhau. Tòa đề nghị cơ quan CSĐT cho biết lý do tại sao lại lập lại biên bản thu hồi tang vật, mục đích của việc lập biên bản này. Cả hai biên bản này đều ghi rõ việc có một người đàn ông tên T. cung cấp tang vật. Vậy ông T. đã lấy cục gạch để đưa cho cơ quan công an hay công an thu giữ cục gạch tại vị trí cục gạch gây vỡ kính?
Theo tòa, đối với kính xe bị vỡ là vật chứng quan trọng, để chứng minh kính bị vỡ do cục gạch gây ra và để định giá tài sản nhưng hồ sơ vụ án không thể hiện việc cơ quan điều tra thu giữ. Như vậy việc thu giữ vật chứng là chưa đầy đủ.
Đối với vấn đề định giá tài sản, tòa cho rằng cơ quan CSĐT chưa làm rõ. Cụ thể, tại biên bản định giá có ghi giá trị thiệt hại là 2,8 triệu đồng nhưng không ghi cụ thể giá trị của từng phần hay chỉ tính kính bị vỡ. Vì vậy không thể xác định chính xác giá trị bị thiệt hại để làm căn cứ giải quyết vụ án. Do đó đề nghị cơ quan định giá phải giải thích rõ biên bản định giá về giá trị thiệt hại bao gồm những khoản nào.
Tòa cho rằng Thông tư số 55/2006 của Bộ Tài chính quy định: “Đối với tài sản đã qua sử dụng thì HĐĐG tài sản phải kiểm định, đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, hàng hóa sau khi đã tính phần hao mòn để xác định giá trị còn lại của tài sản đó”.
Như vậy, theo quy định tại thông tư thì quá trình định giá buộc phải tính giá trị còn lại của tài sản. Nhưng trong trường hợp này cơ quan định giá tính theo giá mới 100% là đi ngược lại thông tư. Tòa đề nghị cơ quan định giá trả lời cụ thể.
Từng đình chỉ điều tra Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, tháng 4-2016 ông Sử đến nhà anh V. đòi nợ, nhặt cục gạch ném vào nhà làm bể kính chắn gió phía sau ô tô Ford Everest đậu ở sân. HĐĐG trong tố tụng hình sự huyện Vĩnh Cửu kết luận trị giá chiếc kính chắn gió là 2,8 triệu đồng. Ông Sử yêu cầu định giá lại vì không thể lấy giá trị của kính mới 100% để ra giá nhưng kết quả lại cao hơn ban đầu. Tháng 6-2016, công an huyện khởi tố ông Sử về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Sáu tháng sau VKSND huyện ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì không trừ khấu hao tấm kính là gây bất lợi cho ông Sử. Từ đó công an huyện xử phạt hành chính ông Sử 3,5 triệu đồng. Nhưng đầu năm 2017, VKSND huyện hủy bỏ quyết định đình chỉ, phục hồi điều tra bị can và trả hồ sơ cho công an yêu cầu giám định giá trị còn lại của chiếc ô tô để xác định khấu hao của kính xe tương đương với thời điểm xảy ra vụ án. Sau đó công an vẫn xác định chiếc kính chắn gió sau của ô tô có giá trị 2,8 triệu đồng và tiếp tục đề nghị truy tố ông Sử. Thấy vậy VKSND huyện có văn bản thỉnh thị đường lối giải quyết vụ án gửi VKSND tỉnh Đồng Nai. Sau khi nhận được trả lời, VKSND huyện trả hồ sơ điều tra bổ sung lần ba yêu cầu định giá lại tấm kính ô tô. Nhưng HĐĐG tài sản trong tố tụng tỉnh Đồng Nai từ chối với lý do: Không có căn cứ để xác định giá trị thực còn lại của kính xe tại thời điểm xảy ra vụ án… |