Ðã có chuyển biến?
Cũng theo đánh giá của bộ này, tình hình tranh chấp, đình công không chỉ giảm về số lượng và quy mô, mà còn diễn biến theo chiều hướng ôn hoà hơn, thời gian diễn ra ngắn hơn. Ðặc biệt, không còn tình trạng đập phá, quá khích như vài năm trước.
Ðiều này thật đáng mừng, bởi năm 2009 chính là thời gian nhiều doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động mạnh của suy thoái kinh tế thế giới, việc làm ở nhiều nơi thiếu ổn định, thu nhập thực tế của người lao động bị sụt giảm đáng kể.
Theo phân tích của bộ LЖTB&XH, sở dĩ tình hình tranh chấp lao động có chiều hướng lắng dịu là do có sự chuyển biến về nhận thức của cấp uỷ đảng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; từ đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị ở địa phương; công tác quản lý nhà nước về lao động được tăng cường; thiết chế hỗ trợ đối thoại tham vấn, tổ chức đại diện các bên được củng cố, bước đầu làm chuyển biến nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành pháp luật lao động, và sự hợp tác giữa các bên trong quan hệ lao động.
Không thể phủ nhận đó chính là những nguyên nhân giúp cải thiện quan hệ lao động. Tuy nhiên, cần đào sâu vào thực tiễn để suy xét vấn đề một cách thấu đáo và toàn diện hơn, từ đó mới có thể đánh giá một cách chính xác, rằng xu hướng ổn định trong quan hệ lao động như vừa nêu liệu có cơ bản và bền vững?
Nhìn sâu hơn vào thực tế
Kết quả thu thập qua báo cáo, khảo sát, điều tra của bộ LЖTB&XH cho thấy, tiền lương bình quân của người lao động năm 2009 trong các doanh nghiệp ước đạt 2,75 triệu đồng/tháng, tăng 6,5% so với năm 2008. Nhưng không thể căn cứ vào đó mà khẳng định rằng chất lượng sống của người lao động đã được nâng lên. Trái lại, mức sống của đa số người lao động đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, khi đồng lương ở phần lớn các doanh nghiệp đều không đủ đảm bảo đời sống ở mức tối thiểu, đặc biệt trong bối cảnh đồng tiền Việt Nam ít nhiều mất giá và chỉ số giá tiêu dùng tăng gần 7%. Chuyên gia về thị trường lao động Trần Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, qua khảo sát, nghiên cứu thực tế đã đưa ra nhận định: “Một bộ phận không nhỏ người lao động không tham gia vào thị trường lao động, chủ yếu là do thu nhập thấp không đủ tái tạo sức lao động, và do sự bấp bênh, thiếu ổn định của công việc ở nhiều nơi”.
Tình trạng “chảy máu nhân lực” ở nhiều doanh nghiệp hồi đầu năm, và thực trạng khan hiếm lao động nghiêm trọng đang xảy ra hiện nay, là minh chứng cho nhận định nói trên. Có một thực tế ít được nhắc tới, là trong thời gian kinh tế suy giảm, bên cạnh số người bị sa thải, còn có một lượng lớn người lao động đã tự nghỉ việc, âm thầm trở về quê sống bằng những công việc tạm bợ. Ðến giờ, khi nhu cầu nhân lực của phần lớn các nhà máy đã tăng mạnh, thì nhiều người trong số họ vẫn e ngại, chưa dám quay trở lại các trung tâm kinh tế lớn để tìm việc. Vì vậy mà mọi dự báo về thị trường lao động cuối năm 2009, đầu 2010 của cả trung ương và các địa phương đều báo động về khả năng nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng được tối đa trên dưới 50% nhu cầu của các doanh nghiệp.
Trong thời gian kinh tế khó khăn, người lao động không phải làm tăng ca. Thậm chí, phần lớn họ không có việc để làm, và những ai chấp nhận ở lại đều xác định rõ những khó khăn phía trước. Nhiều người đã bộc bạch: “Lúc này, chính người chủ còn khó khăn hơn mình, vì họ không có đơn hàng thì lấy đâu ra việc cho mình làm, lấy đâu ra tiền để trả cho mình”. Chính vì hiểu rõ điều đó, nên mặc dù công việc và thu nhập không được đảm bảo, nhưng người lao động không tranh chấp, không đình công.
Cần nhìn nhận đó cũng là một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến cho tình hình quan hệ lao động thời gian qua khá ôn hoà. Nhưng cũng chính vì vậy mà phải suy xét đến khả năng tình hình sẽ trở nên “nóng” hơn khi kinh tế hồi phục, người lao động có nhiều việc làm hơn, phải làm tăng ca, nhưng thu nhập vẫn thấp, mà nguyên nhân chính là do sự thiếu sòng phẳng trong quan hệ chủ – thợ.
Mặt khác, tình hình đình công tạm lắng dịu khi số lượng lao động giảm mạnh, nhưng liệu có duy trì được sự “êm ấm” khi lực lượng lao động nhiều khả năng tăng cao trong thời gian tới, và các mối quan hệ trong doanh nghiệp trở nên đa đạng, phức tạp hơn? Theo các chuyên gia về lao động, nếu mặt bằng thu nhập của người lao động chưa được cải thiện cơ bản, thì những mầm mống của tranh chấp vẫn còn luôn tiềm ẩn.
Một điểm nữa cũng rất đáng lưu ý trong báo cáo của bộ LЖTB&XH, đó là tất cả các cuộc đình công thời gian qua đều xảy ra không đúng trình tự pháp luật quy định và không do tổ chức công đoàn cơ sở lãnh đạo. Ðiều này cho thấy, tổ chức công đoàn vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình. Bởi tổ chức này, do những bó buộc về cơ chế, không thể nắm lấy công cụ cuối cùng là tổ chức đình công để đấu tranh với giới chủ. Một khi vướng mắc cơ bản này chưa được tháo gỡ, thì sự ổn định trong quan hệ lao động khó có thể đảm bảo được tính bền vững.
Theo Hải Việt ( SGTT)