Vài năm trở lại đây, tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường (hay còn gọi là bệnh đái tháo đường) ở các quốc gia có thu nhập trung bình tăng lên rõ rệt, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này được dự báo sẽ tăng lên thành 6,1 triệu vào năm 2040. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người chưa có nhận thức đúng về căn bệnh được coi là "kẻ giết người thầm lặng này", nhất là vấn đề dinh dưỡng trong những ngày xuân.
Theo Viện dinh dưỡng dinh dưỡng quốc gia, trong những ngày tết Nguyên đán, đường máu có thể kiểm soát kém hơn do ăn uống không đúng giờ và không ổn định, không phù hợp với liều thuốc hằng ngày.
Theo các chuyên gia y tế, mức độ tăng đường huyết tùy thuộc vào số lượng thực phẩm ăn vào và loại chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ chứa trong thực phẩm, cách chế biến... Khi đường huyết xuống thấp dưới 60mg/dl, cơ thể thiếu năng lượng và gây nên tình trạng mệt lả, chóng mặt và dẫn đến đột quị. Nhưng đường huyết tăng quá cao, hơn 180mg/dl các chất đạm, béo không được chuyển hóa bình thường, dẫn đến xơ vữa mạch máu, chai não, thoái hóa võng mạc, viêm thận, hoại tử mô mềm, dị ứng…
Do vậy, Viện dinh dưỡng quốc gia cho hay, người mắc bệnh tiểu đường cần duy trì một chế độ ăn điều độ, đúng giờ, bữa ăn không nên chênh lệch nhiều với lượng thức ăn hàng ngày, tránh ăn quá nhiều hoặc quá ít.
Theo đó, những món ăn ngày Tết giàu chất bột đường như bánh chưng, xôi cần tiêu thụ có chừng mực. Đơn cử nếu người bị tiểu đường ăn một miếng bánh chưng thì sẽ không ăn lưng bát con cơm tẻ như mọi khi nữa. Hoặc nếu người bị tiểu đường muốn ăn chút xôi thì không ăn thêm bánh chưng hay cơm để duy trì được một chế độ ăn ổn định lượng bột đường.
Người bị tiểu đường cần hạn chế những món ăn giàu chất bột đường. Ảnh: Internet
Viện dinh dưỡng quốc gia cũng lưu ý ở một số địa phương, có thể ăn bánh chưng cùng chè kho, cần lưu ý chỉ nên ăn rất ít chè kho vì chè kho nấu từ đường mật, đường máu sẽ tăng nhanh. Trong các bữa ăn nhớ nên ăn rau xanh, bữa ăn vừa cân đối dinh dưỡng, lại giúp hạn chế đường máu tăng nhanh sau bữa ăn. Quả chín nên ăn điều độ với số lượng vừa phải, 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 1 quả cam, hoặc vài 3 múi bưởi.
Những thực phẩm chứa nhiều đường như mứt, bánh, kẹo, socola, quả khô... cũng cần được hạn chế bởi lượng đường trong chúng sẽ hấp thu vào cơ thể rất nhah. Đồng thời cần hạn chế rượu, bia vì chúng có thể gây hạ đường huyết ở những bệnh nhân đang điều trị với thuốc hạ đường huyết.
Như vậy, để Tết luôn vui khỏe, người mắc bệnh tiểu đường cần ăn uống khoa học, và uống thuốc đầy đủ tho sự chỉ dẫn của bác sĩ.