Tính đố kỵ, bất hợp tác là cản lực lớn của người Việt ở khắp mọi nơi, trong mọi khu vực lao động, gồm cả nhà nước và tư nhân.
Hễ thành công là có ngày bị “bóc phốt”
NH là giáo viên đang công tác tại TP.HCM. Trước đây cô làm việc tại một tỉnh nhỏ. Cô cho biết vì không muốn đồng nghiệp có định kiến dân tỉnh lẻ ít năng động nên đã ra sức phấn đấu để khẳng định mình. Tất cả cuộc thi của ngành cô đều hăng hái tham gia và còn cố gắng theo đuổi việc học cao học.
Cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp thành phố, bảo vệ luận án thạc sĩ thành công, được bầu làm tổ trưởng chuyên môn. Tuy nhiên, không biết từ đâu có những lời đồn thổi rằng cô chạy chọt để có thành tích. Thậm chí một Facebook ảo còn nhắn tin dọa sẽ “bóc phốt” việc cô đi đêm với hiệu trưởng.
Ganh tức nhau trong công việc
Quá sốc vì những lời dèm pha, NH khép kín hơn, không thi thố nữa chỉ mong yên phận. Lúc này lại tiếp tục mang tiếng không có thực lực, chỉ giỏi làm màu. “Tôi đã chia sẻ chuyện của mình trong một group kín và nhận ra rất nhiều người bị như mình. Hễ có chút thành tích là bị canh me, đàm tiếu. Tôi không còn sốc nữa nhưng vẫn rất buồn” - NH buồn bã nói.
Bạn của NH làm trong một trung tâm nghiên cứu, cũng từng rất nổi bật, tương lai hứa hẹn thăng tiến rực rỡ cho đến khi vướng lùm xùm tin đồn “qua lại bất minh” với sếp. Cô sợ hãi nên xin tập trung làm chuyên môn, không nhận đề bạt nữa
Super soi chuyện người khác
Trong mối quan hệ công việc thường liên quan đến quyền lợi, việc đố kỵ, soi mói còn có thể giải thích được nhưng trong mối quan hệ láng giềng, nhiều người đã phải phát hoảng vì thói xấu soi mói, bắt nạt người khác của những người mang tiếng là tối lửa tắt đèn có nhau.
Không vui khi thấy người khác hạnh phúc là một biểu hiện của thói đố kỵ
MN trong mắt những người hàng xóm đứng tuổi là một cô gái hỗn hào. Lý do là khi mẹ của bạn thân cô chuẩn bị tái giá, nhiều người phụ nữ trong xóm đã… họp kín ở nhà MN để bàn xem có đi đám cưới không. Dù ngoài mặt ra vẻ chúc mừng đám cưới nhưng nhóm kín này lại cho rằng cưới lần hai sao lại rình rang thế, chú rể không biết có bị lừa hay không…. MN ra mặt nghĩa hiệp, lên lớp cho các “bà tám” rằng các chị các mẹ quá soi mói và định kiến. Sau đó, MN bị mẹ dũa cho một trận tơi bời vì cái tội “hỗn với người già”.
Trong xóm của MN nhiều người vào miền Nam làm ăn. Cuộc sống rất khó khăn nhưng khi về làng hay được kêu gọi đóng góp quỹ này quỹ nọ. Người có đóng thì thôi, người không có lại bị rỉa róc là “tưởng vào Nam thế nào hóa ra chẳng có gì”. Cô gái ở làng lấy chồng nước ngoài, mỗi lần về thăm quê lại nghe câu soi mói: “Nó cho bố mẹ mày được bao nhiêu?”.
Bạn đồng hành của thói ưa soi mói là thích đơm đặt, nói xấu về người khác. Nhiều gia đình lục đục cũng vì thói xấu này. Một gia đình kia chuẩn bị cưới dâu đã bất ngờ đùng đùng hủy đám cưới chỉ vì một người lớn trong họ nghe mẹ cô dâu đùa: “Con gái nhà tôi là vàng là ngọc, giờ phải cho không nhà người ta”. Người này về họp gia đình, ngoài thuật lại câu nói trên còn thêm vào đó bao nhiêu mắm muối, đẩy câu chuyện thành kịch tích rồi chốt hạ nhà gái cho rằng nhà trai không xứng với con gái ngọc ngà của họ. Làng quê thanh bình yên ả vẫn có nhiều người tan vỡ hạnh phúc chỉ vì những thói xấu khó lòng thay đổi.
Tôi từng là nạn nhân Năm 16 tuổi tôi từng suýt tự tử vì bị cô giáo chủ nhiệm ghét. Tôi chỉ lờ mờ biết cô không thích tôi bởi một bạn trong lớp được cô tin tưởng rất hay đi méc về tôi. Tôi có một hình xăm rất kín sau lưng, chỉ một số bạn thân biết nhưng không biết sao bạn kia cũng biết và đi méc cô. Cô lên lớp ám chỉ những đứa xăm mình là hư hỏng, lời nói rất nặng nề. Các bạn tôi đều biết cô nói ai. Hồi đó tôi sáng sủa nhất lớp, con nhà giàu, học giỏi. Cô không đánh giá gì về học lực của tôi, chỉ hay nói xa gần về đạo đức của tôi. Khi đã học được cách vượt qua khủng hoảng, tôi nghĩ rằng những người thích làm tổn thương người khác, có thể họ đã lớn lên trong môi trường đố kỵ lẫn nhau. Khi cứ phải đố kỵ và soi mói người khác, người khổ nhất chính là họ. TL |