Mới đây, một cô bạn đã lâu không nói chuyện bất ngờ hẹn tôi đi cà phê. Trên đường đến chỗ hẹn, tôi đã nghĩ sẽ tay bắt mặt mừng, hỏi han nhau đủ thứ chuyện trong thời gian cách mặt. Nhưng bất ngờ, cô ấy bắt đầu câu chuyện sau bao năm không gặp bằng cái nắm tay rồi nói: “Tớ chuẩn bị mở cửa hàng bán yến xào. Tớ muốn nhờ cậu viết một bài thật hay để quảng cáo. Kiểu như lấy lý do mẹ bị ốm rồi nhận ra ăn yến rất tốt và cậu muốn đem thứ tốt đẹp ấy lan tỏa cho nhiều người biết ấy. Cậu hiểu ý tớ chứ?"
Tôi lúc ấy vô cũng chán nản và thất vọng, hóa ra cô ấy gặp mình vì có việc cần nhờ vả. Dù vậy tôi vẫn nhận lời vì ngại từ chối.
Hôm sau tôi gửi bài viết cho bạn, bạn đọc rồi nói: “Cũng được nhưng bây giờ tớ và cộng sự muốn đổi concept, tớ muốn cậu viết lại theo concept thế này...”. Từ người đi nhờ cậy cô ấy đã thành sếp của tôi từ lúc nào. Tới nước này thì tôi từ chối. Sự từ chối khiến cuộc nói chuyện trở nên rất gượng gạo. Bất ngờ là sau đó cô ấy còn lên Facebook trách móc tôi vô tình.
Vậy đấy, bài học đạo đức thì luôn dạy hãy sẵn lòng giúp đỡ mọi người nhưng thực tế không phải sự giúp đỡ nào cũng được trân trọng và làm cho mối quan hệ đôi bên tốt hơn đâu.
Người ta hay nghĩ tới việc nhờ vả ngay khi gặp vướng mắc
Kiểu giáo dục ở ta dễ tạo ra thói quen sống tầm gửi, trông cậy quá nhiều vào sự giúp đỡ của người khác. Ví dụ khi một đứa trẻ bị ngã, thay vì để bé tự đứng lên thì người lớn lại lao vào đỡ, xuýt xoa và đổ thừa cho nền nhà, cho đôi dép… Lâu dần khi lớn lên, mỗi khi vấp ngã người ta lại nảy sinh hai tâm lý: một là đổ lỗi cho người khác, hai là nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài chứ không chủ động tự lực.
Lớn hơn một chút, sự nhờ vả lại tiếp tục theo dạng làm bài thì nhờ vào sách mẫu, đi thi thì hỏi bài bạn, đem tiền cha mẹ đi chạy trường, chạy việc… Bởi thế mà chẳng có gì lạ khi thấy một người có công việc tốt người ta hay hỏi: “Tự xin hay nhờ ai xin cho?”.
Vì sao người ta ít khi nghĩ rằng hãy làm mọi việc tận hết khả năng của mình, chỉ nhờ sự hỗ trợ khi đã thực sự bí đường? Đừng dễ dàng đặt lên vai người khác việc của mình, chẳng ai muốn thế cả. Bởi chất xám, thời gian, công sức... đâu phải là món đồ miễn phí.
Ở các nước phương Tây, thói quen tự lập là phẩm chất đầu tiên mà người ta dạy cho một đứa trẻ. Ở Mỹ trẻ được dạy tự buộc dây giày, mặc quần áo, rửa mặt, ăn cơm... từ 1,5 tuổi. Ở Nhật, trẻ 6 tuổi đã tự một mình đến trường, tự làm mọi việc ở lớp, thậm chí chia nhau nhiệm vụ vệ sinh lớp và sắp xếp phần ăn cho các bạn. Từ những viên gạch nhỏ như vậy mà khi đến tuổi trưởng thành con người đã trở nên một bức tường vững chắc.
Học sinh Nhật tự phục vụ cơm trưa cho các bạn
Mãi dựa vào người khác, người ta sẽ luôn thấy rằng đã có người làm thay và không bao giờ cố gắng nữa. Nhàn nhã được một chút nhưng chính điều ấy đã thui chột dần khả năng của chính bạn. Đến khi gặp chuyện mà không được “cấp cứu” bạn sẽ ra sao? Sống một cuộc đời tầm gửi chẳng bao giờ là thoải mái cả.
Tự lực là phẩm chất quan trọng để con người trưởng thành và thành công. Ảnh minh họa
Sau lời trách móc của bạn cũ, tôi nhận ra biết đâu lời từ chối của mình lại có tác dụng tốt với cô ấy. Khi tự bước đi cô ấy sẽ có nhiều ý tưởng hay hơn cho các dự định của mình. Việc ai nấy làm, khi ấy có thành công mới cảm nhận hết sự hạnh phúc và tiến bộ.