Trong chương trình Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 5-2015 tổ chức mới đây tại TP Buôn Ma Thuột, Công ty Cổ phần Sở giao dịch Cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) chính thức khai trương hoạt động. Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc BCCE, cho biết tháng 4 tới, lãnh đạo trung ương, tỉnh Đắk Lắk và BCCE sẽ hoàn chỉnh những thủ tục cuối cùng cho phép thí điểm kết nối trực tiếp với Sở giao dịch hàng hóa khu vực và thế giới Liffe (Anh) và CME (Mỹ).
Cà phê Việt không còn bị ép giá
. Phóng viên: Lợi ích của nông dân, doanh nghiệp(DN) xuất khẩu cà phê sẽ ra sao khi BCCE kết nối thẳng với hai sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới, thưa ông?
Việc thiết lập BCCE, với các tiêu chuẩn bình đẳng, kết nối với sàn quốc tế, theo tôi là cách nhanh nhất để giảm chi phí trung gian, giúp hàng nông sản Việt Nam dễ dàng tiếp cận với thị trường tiêu thụ cuối cùng. Đồng thời minh bạch hóa các giao dịch đặt lệnh, mua-bán qua sở giao dịch, đảm bảo giá chuẩn theo sát giá cà phê thế giới niêm yết tại sàn giao dịch London; tách bạch tài khoản tại ngân hàng cho các thành viên, ký gửi cà phê tại các kho của Nhà nước. Ngoài ra đảm bảo việc thực giao cà phê đúng chất lượng, đúng hẹn từ các kho do Nhà nước quản lý. BCCE sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư cho mọi người, phòng ngừa rủi ro, phòng vệ khi giá cả cà phê thay đổi, sau cà phê là hồ tiêu, cao su.
. Khoảng 85% sản lượng cà phê Tây Nguyên là từ nông hộ. Vậy làm sao mỗi nông dân với sản lượng ít của mình có thể đáp ứng quy định giao dịch trên sàn quốc tế (10 tấn/giao dịch)?
+ Hiện 85% sản lượng cà phê toàn Tây Nguyên là từ cà phê nông hộ, tức chủ yếu là của các hộ dân, hộ gia đình với năng suất khoảng vài tấn/hộ... không đáp ứng đủ một giao dịch trên thị trường quốc tế (khoảng 10 tấn/giao dịch). Vì thế BCCE kết hợp hình thức giao ngay để tập hợp 85% cà phê nông hộ đi vào sở giao dịch. Sau đó, gom những lô nhỏ thành lô lớn phù hợp với các bước nhảy về khối lượng đủ quy định 10 tấn/giao dịch với thị trường quốc tế. Có thể hiểu BCCE sẽ có mạng lưới những sàn giao dịch có khối lượng nhỏ hơn cho nông dân, từ đó gom đủ số lượng thì đưa lên sàn quốc tế. Cà phê được mua tận gốc tại các hộ nông dân và bán trực tiếp cho sàn thế giới. Như vậy, cà phê Việt Nam sẽ thoát tình trạng bị ép giá.
Ngoài ra, giao dịch trực tiếp với sàn quốc tế, cà phê Việt Nam sẽ hạn chế việc giá bị trừ lùi (giá bị giảm do các yếu tố về chất lượng hàng), thậm chí giá sẽ được cộng thêm nếu có chất lượng tốt. Cụ thể, thông qua công ty kiểm định về chất lượng khi nông dân giao hàng cho bên nhận, cà phê nếu được chăm sóc tốt có tỉ lệ hạt lớn hay cà phê được chế biến sạch ít tạp chất hơn 1% sẽ được cộng thêm giá. Điều này khuyến khích nông dân đầu tư tốt hơn cho chăm sóc và sơ chế bước đầu để nâng cao chất lượng cà phê ở giai đoạn quyết định.
Các doanh nghiệp cà phê trong nước giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tại lễ hội thử uống cà phê và quảng bá cà phê Việt Nam năm 2014 tại TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY
Sàn giao dịch cà phê lớn nhất khu vực
. Các bước triển khai hoạt động của BCCE tới đây cụ thể sẽ như thế nào, thưa ông?
+ Giai đoạn đầu, BCCE sẽ hoàn chỉnh hệ thống quy trình đầu tư trong nước gồm các quy trình: mua-bán, nhận giữ hộ, ứng trước tiền bán, nhận ký quỹ giao dịch bằng tiền, cà phê và tài sản khác, mở tài khoản giao dịch tại BCCE... Hoàn chỉnh quy trình hoạt động gồm kết nối ngân hàng, các khoản hỗ trợ DN và hộ dân thông qua các chương trình khuyến nông của Nhà nước và chính sách của Sở giao dịch cà phê quốc gia BCCE.
Bước thứ hai, bắt đầu từ niên vụ 2015-2016, tiến hành giao dịch chính thức có kết nối trực tiếp với sàn giao dịch quốc tế theo sự cấp phép của Chính phủ Việt Nam. Mục tiêu thu hút khoảng 20%-30% tổng lượng cà phê xô giao dịch trong nước cũng như xuất khẩu. Xây dựng BCCE là Sở giao dịch cà phê Robusta lớn của khu vực Đông Nam Á. BCCE sẽ mở các kênh đầu tư qua các quỹ tài chính hoạt động độc lập để tham gia vào quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến cà phê bền vững.
. BCCE có lường trước những khó khăn như Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) trước đây gặp phải khi không thu hút được nông dân, DN và nhà đầu tư tham gia?
+ BCCE được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) vốn hoạt động không hiệu quả do không thể cạnh tranh được với các nhà thu mua quốc tế vì không thể kết nối với sàn thế giới. Vì vậy, BCCE sau khi kết nối được với hai sàn giao dịch lớn nhất thế giới đã giải quyết được khó khăn này.
Khó khăn hiện tại là rủi ro về chính sách khi Việt Nam chưa có mô hình mẫu thành công về sàn giao dịch hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, nếu chính sách của Nhà nước ổn định, có những giải pháp hỗ trợ DN, nông dân thì sẽ giảm thiểu được rủi ro. Với sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, cụ thể là của UBND tỉnh Đắk Lắk, với tỉ lệ góp vốn 42% mang lại sự tin cậy cho người nông dân, DN và nhà đầu tư trong và ngoài nước.
. Xin cám ơn ông.
Kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê nhưng kim ngạch chỉ đạt hơn 3,5 tỉ USD, ngành cà phê vẫn chủ yếu xuất thô, giá trị thấp vì phụ thuộc giá thế giới, chịu nhiều chi phí trung gian. Các DN cà phê Việt Nam hiện nay phải qua trung gian mới có thể giao dịch trên sàn ở Singapore hoặc Malaysia. CME là sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới, gần 20% sản lượng cà phê thế giới giao dịch trên sàn này. Sàn Liffe cũng là một trong những sàn giao dịch hàng hóa lớn của thế giới đặt tại Anh. Khi BCCE của Việt Nam liên thông với hai sàn này thì Dn sẽ hưởng ứng tham gia. Dn sẽ thuận tiện hơn trong giao dịch, không phải bị bất đồng ngôn ngữ về các thủ tục bảo hiểm, giao hàng… Nếu hợp tác thành công thì kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ tăng lên nhiều lần. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch |