Độ mặt ca lăng cho xe ô tô có rớt kiểm định?

(PLO)- Nhiều chủ xe lo lắng vì đã từng đụng độ đến phần đèn xe, mặt ca lăng hay lốp xe sẽ bị rớt kiểm định. 

Thời gian gần đây trên một số trang mạng xã hội liên tục bàn luận về vấn đề kiểm định. Đặc biệt đối với một số xe đã từng độ đèn, độ mặt ca lăng hay thay đổi lốp xe khác với nhà sản xuất bị rớt kiểm định.

Mới đây nhất, một chủ xe Ford Ranger chia sẻ, xe anh có thay chữ Ford lớn hơn so với kích thước của nhà sản xuất nhưng khi đi kiểm định bị đánh rớt.

Chiếc xe độ chữ Ford lớn hơn so với kích thước mẫu ban đầu bị rớt kiểm định. Ảnh: MXH

Dưới phần bình luận của chủ xe này, nhiều người cho biết các chủ xe từng độ xe nên tháo gỡ các phần này để không bị rớt kiểm định. Nhiều chủ xe cũng tỏ ra lo lắng vì từng đụng độ đến chiếc xe của mình.

Anh Hưng Ngọc cho biết: “Thay đổi cỡ lốp xe hoặc cơi nới thùng xe, màu Sơn hoặc thậm chí lắp thêm đèn chiếu sáng, còi hơi cũng đều không được và sẽ bị rớt kiểm định”.

Bên cạnh đó thì cũng có nhiều người ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ của các Trung tâm Đăng kiểm như trên.

Anh Đặng Tuân cho biết: “Tôi ủng hộ việc chấp hành nghiêm theo thiết kế, nhiều người độ xe theo kiểu cho đẹp đôi khi rất nguy hiểm”.

Một ý kiến khác cũng thắc mắc: Không biết độ màn hình lắp thêm cam có sao không?

Trao đổi với PLO, một vị đại diện của Trung tâm Đăng kiểm cho biết: “Bất kể xe có độ thêm một vật dụng gì khác với quy định của nhà sản xuất đều bị rớt kiểm định. Do đó, các chủ xe cần thay đổi cho xe trở về kiểu dáng ban đầu trước khi đi đăng kiểm”.

Theo Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, chủ phương tiện giao thông không được tự ý thay đổi kết cấu xe, làm sai lệch kết cấu so với thiết kế ban đầu của xe theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Trong đó, phạt tiền 300.000-400.000 đồng đối với cá nhân, 600.000-800.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn; tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe; không làm thủ tục khai báo với cơ quan đăng ký xe theo quy định trước khi cải tạo xe (đối với loại xe có quy định phải làm thủ tục khai báo).

Bên cạnh đó, đối với các hành vi như tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông; tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe; tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe sẽ bị phạt tiền 800.000-2.000.000 đồng đối với cá nhân, 1,6-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.

Tương tự, đối chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, 4-8 triệu đồng đối với tổ chức.

Đặc biệt, đối với hành vi tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, 12-16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới