“Biết là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất rất khó đặt xe nên vừa xuống máy bay tôi đã đặt ngay. Thế nhưng từ xe công nghệ đến taxi truyền thống tôi đều thử mà không nhận được bất kỳ cuốc xe nào, thật khó hiểu. Loay hoay hơn 30 phút, tôi đành phải đi xe ôm truyền thống với mức giá hơn 250.000 đồng cho quãng đường 16 km về khu vực Lã Xuân Oai, TP Thủ Đức. Việc đặt xe từ sân bay quá khó khăn, gây nhiều bất tiện và ảnh hưởng tới hình ảnh một sân bay quốc tế” - chị Tống Thị Phương kể lại.
Khách hàng cho biết phải đợi khá lâu mới đặt được xe công nghệ. Ảnh: CTV |
Người dùng nản, không muốn đặt xe công nghệ
Chị Phương cho biết trước đây với xe công nghệ chỉ cần đặt là có. Thậm chí giờ cao điểm cũng chỉ mất 3-5 phút là tìm được tài xế. Thế nhưng gần đây khách hàng tìm đỏ mắt không có xe.
“Sắp tới, gia đình tôi từ quê vào TP.HCM. Tôi không thể đặt xe công nghệ nên buộc phải thuê xe hợp đồng lên sân bay đón. Dù mất thời gian chuẩn bị song vẫn chủ động hơn việc phải chờ đợi ở sân bay” - chị Phương nói.
Tương tự, chị Đỗ Thùy Vân (quận 4) cũng bức xúc vì gần đây đặt xe công nghệ năm, bảy lần vẫn không được. Sau 30 phút có xe thì khách… hoảng hồn vì giá cước cao ngất trời: 285.000 đồng cho đoạn đường 8 km. Cùng nỗi bức xúc, chị Nguyễn Dung (quận Tân Bình) cũng chia sẻ về khó khăn khi tìm xe công nghệ. Mới đây nhất, chị đặt một chiếc xe đi từ quận Tân Bình đến quận 7 thì được báo giá cước gần 500.000 đồng cho 13 km. Đặt lại nhiều lần giá vẫn không giảm, cuối cùng chị Dung chọn taxi truyền thống với cước phí khoảng 300.000 đồng.
Một khách hàng khác là chị Thanh Hoa (quận Tân Phú) cũng thông tin: “Gần đây, khoảng 20 giờ trên địa bàn quận 1, tôi cần di chuyển quãng đường khoảng 0,5 km nhưng do đi giày cao gót, không đi bộ được nên muốn đặt xe. Trước đây đặt cuốc là có ngay mà lần này tôi chọn từ xe máy đến ô tô đều không có. Cuối cùng tôi đành phải cuốc bộ tới điểm hẹn”. Do quá khó đặt xe nên nhiều người cho biết đang dần bỏ dùng dịch vụ này.
Lý giải về cái khó của tài xế, anh Nguyễn Văn Cường (quận Bình Thạnh) cho biết giá xăng dầu tăng liên tiếp nhiều lần, tài xế đang phải chịu nhiều thiệt thòi. “Sau khi chiết khấu, thu nhập thực thu của tài xế giảm hẳn, thực sự không còn ứng phó nổi với tình hình” - anh Cường nói.
Do nhu cầu đi lại tăng cao?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện ứng dụng đặt xe Be cho biết hiện nay do nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân tăng cao. Trong tháng 4, 5 vừa qua, Be đã có những thời điểm đạt số chuyến đi kỷ lục kể từ khi bắt đầu cung cấp dịch vụ từ năm 2018. Do đó sẽ không tránh khỏi có thời điểm khách hàng khó tìm được xe.
“Sau khi chiết khấu, thu nhập thực thu của tài xế giảm hẳn, thực sự không còn ứng phó nổi với tình hình.”
“Để hỗ trợ các bác tài yên tâm cung cấp dịch vụ, chúng tôi luôn bổ sung nâng mức các chương trình hỗ trợ thu nhập cho tài xế. Đồng thời mở rộng phát triển mạnh thêm các dịch vụ như giao hàng, giao đồ ăn để tài xế có thêm thu nhập” - đại diện Be cho biết.
Với việc điều chỉnh giá cước, Be cho biết tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh từng giai đoạn cụ thể, Be sẽ thông báo đến khách hàng, tài xế khi có điều chỉnh.
Tương tự, Gojek Việt Nam cho biết hãng ghi nhận từ đầu năm đến nay nhu cầu đi lại của người dân liên tục tăng. Một số khung giờ cao điểm, nhu cầu người dùng tăng cao đột biến, gây nên sự mất cân bằng cung - cầu.
Gojek đang theo dõi biến động thị trường để có giải pháp điều chỉnh mức giá cũng như phân bổ nguồn cung phù hợp. Gojek luôn khuyến khích đối tác tài xế hoàn thành tốt các đơn hàng, duy trì hiệu suất để đạt được doanh thu tốt nhất và đảm bảo phục vụ người dùng.
Việc các đối tác hoạt động ổn định đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng cung - cầu, từ đó giúp ổn định giá cước cho người dùng cũng như tránh ảnh hưởng đến khả năng nhận đơn hàng mới của đối tác tài xế. Trước cơn “khát” tài xế, Gojek liên tục tuyển dụng mới, áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ để tăng cường nguồn cung. Từ sau tết đến nay, nguồn cung tài xế của Gojek vẫn duy trì ở mức ổn định.
Trong khi đó, trước câu hỏi về nguyên nhân khiến giá cước tăng cao và khách hàng khó đặt xe dù là giờ thấp điểm, đại diện Grab Việt Nam chỉ cho biết do nhu cầu di chuyển tăng cao nên ở một số thời điểm, tại một số khu vực sẽ xảy ra hiện tượng trên. Hãng đang triển khai một số chương trình thưởng hấp dẫn như chương trình thưởng ngọc; chương trình thưởng đối với chuyến xe có điểm đón khách xa; chương trình thưởng khi hoàn thành chuyến xe GrabCar trong khung giờ cao điểm... để khuyến khích đối tác tài xế tích cực hoạt động hơn.
Song song đó, Grab sẽ tiếp tục theo dõi biến động của thị trường để có thể thực hiện những chương trình phù hợp trên cơ sở cân bằng lợi ích cho đối tác tài xế và người dùng. Đối với người dùng, Grab đang tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi để người dùng sử dụng dịch vụ tiết kiệm hơn, từ đó có thể mang đến nhiều chuyến xe hơn cho đối tác.•
Taxi truyền thống cũng thiếu hụt tài xế
Ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), cho biết hãng đang thiếu tài xế trầm trọng. Một số lượng lớn tài xế đã nghỉ việc từ mùa dịch cho tới nay. Hiện Vinasun đang tích cực tuyển tài xế để bù đắp khoảng thiếu hụt này, song vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện hãng mới chỉ bù đắp được thêm hơn 500 tài xế.
Hiện Vinasun có 1.300 xe nhưng có khoảng 500 xe không có tài xế (40%). Việc thiếu tài xế khiến hãng chỉ phục vụ được 60%-70% nhu cầu từ tổng đài và đặt qua ứng dụng của hãng.