Đô thị hóa: Lấy con người và chất lượng sống làm trung tâm

(PLO)- Cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cạnh đó, ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Sáng 18-5, Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 06 (ngày 24-1-2022) của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phấn đấu năm 2025 đạt 45% tỉ lệ đô thị hóa

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết trong bối cảnh mới hiện nay, Nghị quyết 06 là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của cơ chế, chính sách mới. Từ đó, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Tỉ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tỉ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nghị quyết khẳng định sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước.

Tỉ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.

Nghị quyết 06 đưa ra các mục tiêu cụ thể như tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.

Cùng với đó, đến năm 2045, tỉ lệ đô thị hóa nước ta thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Song song, xây dựng được ít nhất năm đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Phải có tầm nhìn dài dạn

Tại hội nghị, các đại biểu từ các bộ, ngành, địa phương đã trình bày nhiều tham luận bàn về các vấn đề quan trọng như: Triển khai xây dựng chương trình hành động thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06; nhiệm vụ và giải pháp phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước.

Các ý kiến cũng nêu ra nhiệm vụ và giải pháp xây dựng hạ tầng số và bảo đảm gắn kết đồng bộ giữa quá trình chuyển đổi số của địa phương với công tác quy hoạch; xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững…

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị các cơ quan chức năng phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế; quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững… Đó là các nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Theo Thường trực Ban bí thư, việc đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng. Quy hoạch đô thị phải bảo đảm có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại; lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.

Ông Thưởng cũng nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cạnh đó, ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và hiệu quả.

Ông cũng đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ sớm ban hành chương trình hành động triển khai nghị quyết. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, trong đó nội dung phát triển đô thị phải phù hợp với điều kiện, thế mạnh của địa phương, từng vùng.•

Hà Nội thiết lập một số cực tăng trưởng mới

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Hà Nội dự kiến thiết lập một số cực tăng trưởng mới cho thủ đô. Trong đó, TP nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển “TP thuộc thủ đô” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh), đảm bảo kết nối với hai TP lân cận phía Bắc (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh). Từ đó hình thành “trung tâm của ba trung tâm” - ba cụm động lực phát triển kinh tế vùng theo định hướng quy hoạch vùng thủ đô (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Ninh).

TP tại khu vực phía tây (đô thị Hòa Lạc kết nối với đô thị Xuân Mai) hình thành định hướng đô thị có tính chất khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và dịch vụ kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc.

Cùng với đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm