Theo đó ngày hôm nay có hai trong tổng số năm tàu cao tốc được chạy. Các tàu cao tốc trên đã được tháo gỡ băng ghế để có thể chở 20 tấn hàng được phê duyệt.
Hai trong năm tàu cao tốc được khởi hành trong ngày đầu tiên. Ảnh: ĐÀO TRANG.
Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP, cho biết hôm nay là chuyến đi đầu tiên nên tàu sẽ xuất phát trước hai chuyến. Sắp tới, số lượng tàu sẽ được điều động tối đa để phục vụ người dân.
Dự kiến mỗi chuyến tàu sẽ vận chuyển được 20 tấn hàng hoá thiết yếu. Như vậy, trong ngày hôm nay sẽ có khoảng 40 tấn hàng được đưa về TP.HCM. Hàng sẽ được xếp trong tàu, mở máy lạnh nên hàng hoá sẽ tươi, sống để phục vụ người dân.
Trưa cùng ngày, hai tàu cao tốc đã cập bến tại bến phà tạm Rạch Miễu bờ Song Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) bắt đầu vận chuyển hàng nông sản từ Tiền Giang về TP.HCM.
Tàu cao tốc đã cập bến tại Tiền Giang vào trưa 19-8. Ảnh: PV
Đây là những tấn hàng nông sản đầu tiên dùng “luồng xanh đường thủy” ở phía Nam nhằm giảm tải cho “luồng xanh đường bộ”, tăng cường nông sản cho thị trường TP.HCM và tránh đứt gãy chuỗi cùng ứng hàng hóa trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo đó, điểm tập kết hàng hóa, nông sản… cho tàu cao tốc bốc dỡ hàng sẽ đặt tạm ở bến phà Rạch Miễu (xã Song Thuận, huyện Châu Thành).
Ông Đặng Văn Tuấn – Quyền giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết, trong ngày sẽ có khoảng hơn 30 tấn hàng nông sản củ, quả như dưa hấu, dưa lưới, bí… được vận chuyển về cung ứng cho thị trường TP.HCM.
“Trong buổi sáng cùng ngày công ty Greenlines DP đã thu mua đủ 17 tấn hàng nông sản cho chuyến tàu đầu tiên. Còn một chiếc tàu còn lại sẽ tập trung thu gom mua hàng nông sản và sẽ xuất bến trong chiều nay” – Ông Tuấn cho biết.
Theo kế hoạch, dự kiến cách 2 ngày tùy theo nhu cầu thị trường, tàu cao tốc của công ty Greenlines DP sẽ đến Tiền Giang để thu mua hàng nông sản vận chuyển về TP.HCM.
Hình ảnh khi tàu khởi hành. Ảnh: ĐÀO TRANG.
Ông Trần Song Hải cho biết thêm theo đúng lịch trình, các chuyến tàu cao tốc đường thủy sẽ xuất phát hằng ngày từ 6 giờ sáng tại bến Bạch Đằng, đi tới 12 giờ trưa quay về lại TP.HCM. Sau đó, 13 giờ sẽ tiếp tục khởi hành thêm một chuyến đến khoảng 18 giờ sẽ trở lại TP.HCM.
Dự kiến khoảng 2 - 3 ngày tới, sau khi các lái tàu, thuyên viên quen đường thì sẽ cho tàu cao tốc chạy cả đêm và mở rộng luồng hàng tới tất cả các địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu…
Ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, công tác lưu thông sẽ bị hạn chế. Do đó, đường thủy là một kênh vận chuyển mới giúp các phương tiện được lưu thông thuận lợi.
Ông An đánh giá thời gian tàu cao tốc đi trên đường sông sẽ nhanh hơn, không phải đi qua các trạm kiểm soát dịch. Tuy nhiên, tàu cao tốc phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về đường thủy, đảm bảo thời gian chính xác và hàng hoá được tươi sống hơn, từ đó đảm bảo chất lượng cho người dân.
Những tàu cao tốc còn lại đang được tháo băng ghế để chở hàng Ảnh: ĐÀO TRANG.
Để đảm bảo phòng chống dịch, thuyền viên và lái tàu phải được chích ít nhất một mũi vaccine và có xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được lên tàu. Lực lượng trên sẽ ở trên tàu, không tiếp xúc với người dân ở địa phương.
Sở GTVT TP.HCM rất hoan nghênh các phương tiện giao thông thuỷ tham gia đồng hành cùng TP.HCM tham gia vận chuyển hàng hoá thiết yếu về TP.
Bên cạnh tạo luồng xanh bằng đường thuỷ, tới nay Sở GTVT cũng đã cấp giấy nhận diện phương tiện cho hơn 41.000 phương tiện.
Lộ trình di chuyển: Đi từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền → kênh Chợ Gạo → sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn → sông Cần Giuộc) → sông Soài Rạp → sông Nhà Bè → Sông Sài Gòn →Bến Bạch Đằng và ngược lại. Phương tiện thủy phục vụ vận chuyển là năm tàu cao tốc (SG-7990, SG-8063, SG-8231, SG-8278, SG-8373), sức chở trung bình khoảng 20 tấn hàng hóa/tàu. Chi phí vận chuyển do Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP thỏa thuận với tổ chức, cá nhân cần vận chuyển hàng hóa. |