Có vaccine, hàng không hy vọng thoát khủng hoảng

Cao điểm tết Nguyên đán 2021, ngành hàng không Việt nhận thêm cú bồi nặng nề khi năng lực vận chuyển của các hãng hàng không (HHK) trong nước chỉ bằng 1/3 so với cùng thời điểm tết năm 2020. Theo thống kê, tuần cao điểm tết, các hãng vận chuyển chưa tới 900.000 khách.

Nhiều thời điểm máy bay của các hãng nằm xếp hàng dài ở sân bay.
Ảnh: PHONG ĐIỀN

Khách sụt giảm ngay cao điểm tết

Số liệu từ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) thể hiện sản lượng điều hành bay trong bảy ngày nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu, từ ngày 29 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng, là 6.330 lần chuyến, chỉ bằng 29,53% so với sản lượng điều hành bay trong dịp năm ngoái.

Tại hai sân bay quốc tế lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, ngày có số chuyến bay cao nhất lần lượt là 294 lần chuyến (ngày 29 tháng Chạp) và 619 lần chuyến (mùng 5 tháng Giêng). Trong khi đó, ngày cao điểm của tết năm ngoái, sân bay Nội Bài đón 610 lần chuyến, sân bay Tân Sơn Nhất đón 939 lần chuyến. VATM đánh giá: “Hoạt động bay dịp tết năm nay sụt giảm nghiêm trọng”

Theo ghi nhận của PV, chưa tết năm nào Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - nơi lượng khách tấp nập nhất cả nước lại sụt giảm sâu như vậy, dù nhà khai thác sân bay và các HHK đã triển khai hàng loạt biện pháp để ngăn ngừa dịch bệnh. Bên cạnh đó, sáu HHK cũng tung ra hơn 6 triệu vé trên hơn 40 đường bay nội địa với rất nhiều ưu đãi và giá thấp chưa từng có, tuy nhiên tâm lý lo ngại dịch bệnh tái bùng phát đã khiến lượng khách giảm đột ngột.

Không chỉ mất đi lượng khách lớn, các HHK, các đại lý vé máy bay còn tốn nhiều thời gian để xử lý việc đổi, trả vé cho hành khách. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng bay mất đi dòng tiền khá lớn mà họ đã hy vọng được cứu vãn để bù đắp dòng tiền thiếu hụt trong năm.

Làm gì để phục hồi?

Hồi cuối năm 2020, một đại diện của HHK giá rẻ VietJet chia sẻ dịch bệnh khiến hãng thay đổi nhiều thứ, đáng chú ý nhất là các tiện ích nền tảng giao dịch trực tuyến được triển khai đồng bộ để không bị động khai thác. Đồng thời, hãng chuyển hướng sang vận chuyển hàng hóa để kiếm dòng tiền. Tuy nhiên, phía HHK tư nhân này cũng nhìn nhận chỉ khi khai thác đường bay quốc tế mới đem lại lợi nhuận và phát triển ổn định.

Vận chuyển hàng hóa cũng đem lại nguồn thu cho HHK Vietnam Airlines trên các đường bay quốc tế và nội địa. Hãng này đã đưa 12 máy bay thân rộng A350 và Boeing 787 chở hàng khoang khách và khoang bụng. Đại diện hãng cho biết trong giai đoạn giãn cách xã hội, doanh thu vận chuyển hàng hóa của hãng đã đạt 1.330 tỉ đồng, riêng tháng 5-2020 đạt 840 tỉ đồng, tăng tới 45% so với cùng kỳ. Đại diện hãng cho rằng với những kinh nghiệm đã đúc kết được và đội máy bay hiện đại, đa chủng loại, hãng sẽ đưa vào khai thác thành công đội máy bay chuyên dùng chở hàng.

Tân binh Vietravel Airlines cũng toan tính có lượng khách du lịch dồi dào từ miền Nam ra Bắc nhưng dịch tái bùng phát cũng khiến việc khai thác chựng lại.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực hàng không, thận trọng đánh giá: Với tình hình dịch bệnh tái bùng phát khiến hàng không lún sâu trong khủng hoảng, đặc biệt dịp cận tết lượng khách giảm đột ngột nên lúc này khó có thể nói giải pháp nào là tối ưu để hàng không thoát khủng hoảng. Với bối cảnh này, ngành hàng không tiếp tục chịu trận và tập trung vào đường bay nội địa để cứu cánh. Mặt khác, các hãng cũng tính toán cắt giảm thêm những chi phí, đội ngũ để vượt qua khủng hoảng rồi tính toán tiếp.

Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, các nhà hoạch định kinh tế cũng cần tính toán để hỗ trợ các HHK cầm cự, chờ thời cơ vượt khủng hoảng. “Vấn đề tiên quyết là kiểm soát được dịch bệnh mới đem lại sự yên tâm cho khách đi lại bằng đường hàng không và đem lại hơi thở cho ngành du lịch” - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Trao đổi với PV, ThS Nguyễn Việt Khoa (bộ môn kinh tế, Khoa luật, ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng đây là thời điểm tốt để các HHK thay đổi cách phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, ông Khoa nhìn nhận: Với việc lô vaccine đầu tiên đã về Việt Nam, dịch bệnh sẽ được kiểm soát, đến kỳ nghỉ hè tới sẽ kéo lại lượng khách đi lại bằng đường hàng không, kích thích du lịch hồi phục. Do vậy, trong giai đoạn này cần có sự liên kết chặt chẽ giữa hàng không, du lịch, trường học để khi dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ không bị động.

Theo ông Khoa, với việc vaccine đã về Việt Nam, ngành hàng không cần đón đầu khách quốc tế khi bầu trời quốc tế mở cửa trở lại để hút dòng khách quốc tế đầu tiên, thay vì bị động khách sẽ di chuyển sang các nước có phương án quảng bá tốt hơn.

Ngoài ra, ông Khoa cho rằng an ninh, an toàn hàng không luôn đặt lên hàng đầu nhưng cần cải tiến khâu kiểm tra an ninh tại các cảng hàng không nhanh hơn bằng cách phân luồng, phân loại khi đã có mã vạch chứ không nên xếp hàng mất rất nhiều thời gian, đặc biệt tại các sân bay lớn như Nội Bài và Tân Sơn Nhất. “Hiện tại các HHK đã áp dụng công nghệ rất nhiều nên mất rất ít thời gian, ngược lại thủ tục an ninh lại tốn rất nhiều thời gian” - ông Khoa phân tích.

Việt Nam xếp thứ 9 trong 20 thị trường hàng không hàng đầu thế giới

Theo xếp hạng của OAG, tổ chức hàng không du lịch, Việt Nam nằm vị trí thứ chín trong tốp 20 thị trường hàng không hàng đầu thế giới, trong hai tháng 1 và 2-2021. Trong nhiều tuần liền, thị trường hàng không trong nước vận chuyển hơn 1 triệu khách/tuần, thậm chí có tuần đạt 1,5 triệu khách.

Cục Hàng không Việt Nam thống kê: Trong tháng 2 (từ ngày 19-1 đến 18-2), các HHK Việt Nam đã khai thác 20.944 chuyến bay.

Trong đó, Vietnam Airlines khai thác 6.725 chuyến bay, VietJet khai thác 7.881 chuyến bay, Bamboo Airways 4.008 chuyến, Jetstar Pacific 1.640 chuyến, VASCO 518 chuyến và Vietravel Airlines 172 chuyến.

Đường bay vàng TP.HCM - Hà Nội được OAG xếp hạng là đường bay nhộn nhịp triệu khách trong tháng 1. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm