Chiều 11-2, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hà Nội tổ chức buổi họp giao ban báo chí. Tại đây, các PV đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc UBND phường Phú Lương (quận Hà Đông) cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng tại khu Công viên nước Thanh Hà thuộc Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) vào ngày 15 và 16-1.
Xem xét xử lý cán bộ để xảy ra sai phạm
Tại buổi giao ban báo chí nói trên, các PV đã đặt vấn đề về việc lực lượng cưỡng chế đập phá cả những tài sản có thể di dời được trong Công viên nước Thanh Hà như hệ thống máng trượt, máy tạo sóng… khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, gây phản cảm trong dư luận.
“Đề nghị UBND quận Hà Đông cho biết phương án được phê duyệt là cưỡng chế tháo dỡ hay phá dỡ. Vì sao phải đập phá khối tài sản hàng trăm tỉ trong khi có thể tháo dỡ?” - báo chí truy vấn.
Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt vấn đề Công viên nước Thanh Hà là công trình lớn đã được xây dựng trong thời gian rất lâu, vậy chính quyền địa phương có biết không và các cán bộ, đơn vị có liên quan công trình này đã bị xử lý trách nhiệm như thế nào.
Trả lời các câu hỏi trên, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, cho biết: Khu vực Công viên nước Thanh Hà thuộc dự án Thanh Hà Cienco 5 và quy hoạch của khu xây dựng dự án này là khu đất công cộng. “Ở đây, chủ đầu tư xây dựng không có phép nên cơ quan Hà Đông đã thiết lập biên bản, hồ sơ xử lý vi phạm xây dựng không phép đối với công trình này. Việc thiết lập hồ sơ, các bước theo đúng các quy định pháp luật” - ông Ngọc nói.
Liên quan đến thông tin một số hạng mục công trình không vi phạm mà cưỡng chế, ông Ngọc cho rằng: Qua biên bản thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đã thiết lập 19 hạng mục công trình thuộc Công viên nước Thanh Hà là vi phạm.
Dù được đề nghị làm rõ quan điểm của quận Hà Đông trong quá trình cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà là tháo dỡ hay phá dỡ nhưng trong phần trả lời, ông Ngọc chỉ giải thích quá trình triển khai, xử lý công trình Công viên nước Thanh Hà đảm bảo đúng trình tự, quy định pháp luật.
Một hạng mục tại Công viên nước Thanh Hà bị cưỡng chế. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Chưa bằng lòng trước câu trả lời của ông Ngọc, một số PV tiếp tục hỏi về việc phương án cưỡng chế được phê duyệt chưa và đây là phá dỡ hay tháo dỡ, có đúng quy định không. Ông Ngọc cho hay quận đã thuê các đơn vị lập phương án cưỡng chế, cơ quan chuyên môn thẩm định và UBND quận Hà Đông đã ra văn bản phê duyệt đảm bảo quy định pháp luật…
Liên quan đến xử lý trách nhiệm cán bộ, tập thể để xảy ra sai phạm trên địa bàn, ông Ngọc cho hay hiện quận Hà Đông đang xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý xây dựng và cán bộ có liên quan. “Hiện chúng tôi đang xem xét và sai đến đâu, trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó” - ông Ngọc nhấn mạnh.
“Đập bỏ toàn bộ các hạng mục”
Chiều 11-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trương Xuân Danh, Phó Tổng giám đốc Cienco 5, cho hay: Trước các yêu cầu của cơ quan chức năng, công ty tiếp tục tháo dỡ các hạng mục trong Công viên nước Thanh Hà.
“Do khối lượng công việc nhiều và kỹ thuật phức tạp trong khi lại cận tết Nguyên đán, chúng tôi không thể mời chuyên gia của nhà thầu nước ngoài sang tháo dỡ nên không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của quận Hà Đông. Chúng tôi có văn bản trình bày rõ nội dung này gửi quận Hà Đông để nắm bắt và chỉ đạo” - ông Danh bày tỏ.
Ông Danh cũng thông tin ngày 15-1, UBND phường Phú Lương đã tổ chức lực lượng cưỡng chế gồm 100 người và khoảng 10 xe cơ giới đến đập phá toàn bộ hạng mục xây dựng trong khuôn viên Thanh Hà. “Toàn bộ tài sản của Cienco 5 Land đầu tư hơn 200 tỉ đồng tại công viên đều đã bị lực lượng cưỡng chế đập phá, hủy hoại thành đống phế liệu” - ông Danh nói.
Theo ông Danh, việc cưỡng chế của chính quyền địa phương theo cách “không tháo dỡ các hạng mục kỹ thuật có thể tháo dỡ, di dời được mà đập bỏ hoàn toàn” là không phù hợp với quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, nếu công trình không phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép thì phải tháo dỡ, nếu đơn vị vi phạm không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế.
“Quy định nêu rõ việc tháo dỡ (bảo toàn giá trị tài sản, công năng sử dụng) công trình vi phạm, chứ không quy định việc phá dỡ (hủy hoại giá trị tài sản và công năng sử dụng). Tuy nhiên, quận Hà Đông đã không tháo dỡ các hạng mục kỹ thuật lắp đặt trong khuôn viên Công viên nước Thanh Hà mà thực hiện phá dỡ, đập bỏ toàn bộ các hạng mục xây dựng và lắp đặt” - ông Danh nói.
Doanh nghiệp kêu cứu Sau khi chính quyền phường Phú Lương tổ chức cưỡng chế, Cienco 5 Land đã có đơn kêu cứu các cơ quan chức năng. Nội dung đơn cho hay sau khi các sai phạm tại Công viên nước Thanh Hà được cơ quan chức năng xử lý, đơn vị này đã ngừng vận hành công viên và chuẩn bị phương án tháo dỡ, di chuyển tài sản để xây dựng công viên nước tại địa phương khác. Ngày 27-11-2019, chính quyền địa phương có yêu cầu doanh nghiệp tự tháo dỡ các hạng mục xây dựng không phép trong công viên. Do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt tại công viên có kết cấu kỹ thuật phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật… nên công ty này đã đề nghị quận Hà Đông gia hạn và tạo điều kiện để xử lý các thiết bị theo quy trình. Đến ngày 24-12-2019, quận Hà Đông có quyết định cưỡng chế tháo dỡ 19 hạng mục xây dựng trong Công viên nước Thanh Hà. Ngày 30-12-2019, phường Phú Lương có thông báo về việc quyết định cưỡng chế buộc Cienco 5 Land phải tự tháo dỡ 19 hạng mục theo yêu cầu của quận Hà Đông xong trước 17 giờ ngày 10-1-2020. |