Cụ thể, các phóng viên đã đặt vấn đề về việc lực lượng cưỡng chế đập phá cả những tài sản có thể di dời được trong công viên nước như hệ thống máng trượt, máy tạo sóng… khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, gây phản cảm trong dư luận.
"Đề nghị UBND quận Hà Đông cho biết là phương án được phê duyệt là cưỡng chế tháo dỡ hay phá dỡ? Nếu là phá dỡ thì vì sao phải đập phá khối tài sản hàng trăm tỉ trong khi có thể tháo dỡ?” – báo chí nêu câu hỏi.
Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt vấn đề Công viên nước Thanh Hà thuộc Công ty cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) là công trình lớn đã được xây dựng trong thời gian rất lâu, vậy chính quyền địa phương có biết không và các cán bộ, đơn vị có liên quan công trình này đã bị xử lý trách nhiệm như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông.
Trả lời các câu hỏi này, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, cho biết khu vực Công viên nước Thanh Hà thuộc dự án Thanh Hà Cienco 5 và quy hoạch của khu xây dựng dự án này là khu đất công cộng. "Ở đây, chủ đầu tư xây dựng không có phép nên cơ quan Hà Đông đã thiết lập biên bản, hồ sơ xử lý vi phạm xây dựng không phép đối với công trình này. Việc thiết lập hồ sơ, các bước theo đúng các quy định pháp luật quy định" - ông Ngọc nói.
Liên quan đến thông tin một số hạng mục công trình không vi phạm mà cưỡng chế, ông Ngọc cho rằng qua biên bản thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đã thiết lập 19 hạng mục công trình thuộc Công viên nước Thanh Hà là vi phạm.
Dù được đề nghị làm rõ quan điểm của quận Hà Đông trong quá trình cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà là tháo dỡ hay phá dỡ, nhưng trong phần trả lời ông Ngọc chỉ lòng vòng giải thích quá trình triển khai, xử lý công trình Công viên nước Thanh Hà đảm bảo đúng trình tự quy định pháp luật.
Chưa bằng lòng trước câu trả lời của ông Ngọc, một số phóng viên đã tiếp tục hỏi về việc phương án cưỡng chế được phê duyệt chưa và đây là phá dỡ hay tháo dỡ, có đúng quy định không? Ông Ngọc cho hay quận đã thuê các đơn vị lập phương án cưỡng chế, cơ quan chuyên môn thẩm định và UBND quận Hà Đông đã ra văn bản phê duyệt đảm bảo quy định pháp luật…
Liên quan đến xử lý trách nhiệm cán bộ, tập thể để xảy ra sai phạm trên địa bàn, ông Ngọc cho hay hiện quận Hà Đông đang xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý xây dựng và cán bộ có liên quan. “Hiện chúng tôi đang xem xét và sai đến đâu, trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó” - ông Ngọc nhấn mạnh.
Nhiều hạng mục kỹ thuật có thể di dời được tại Công viên nước Thanh Hà biến thành đống phế liệu sau khi bị cưỡng chế.
Trao đổi với PLO, ông Trương Xuân Danh, Phó Tổng giám đốc Cienco 5 land, cho hay: “Quy định nêu rõ việc tháo dỡ (bảo toàn giá trị tài sản, công năng sử dụng) công trình vi phạm chứ không quy định việc phá dỡ (hủy hoại giá trí tài sản và công năng sử dụng). Tuy nhiên, quận Hà Đông đã không tháo dỡ các hạng mục kỹ thuật lắp đặt trong khuôn viên Công viên nước Thanh Hà mà thực hiện phá dỡ, đập bỏ toàn bộ các hạng mục xây dựng và lắp đặt”.