Đề xuất tháo gỡ dự án ‘vướng đất công’

Theo đó, hiệp hội đề xuất hoàn thiện quy trình hành chính đối với dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có xen kẽ một số thửa đất do Nhà nước quản lý với năm bước từ khâu lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư tới khâu cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Ngoài ra, hiệp hội cũng đề xuất các phương án xử lý đối với phần đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp hiện nay với bốn phương án xử lý.

Phương án 1: Căn cứ pháp luật đất đai hiện nay về xác định giá đất cụ thể phù hợp giá thị trường, UBND TP giao phần đất rạch, bờ đất, đường do Nhà nước quản lý có hình dạng bất định hình (không thể xác định chỉ tiêu quy hoạch thành một dự án độc lập), nằm xen cài rải rác trong dự án nhà ở, cho chủ đầu tư để thực hiện dự án mà không phải thực hiện đấu giá phần đất này.

Phương án 2: Thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất rạch, bờ đất, đường thuộc Nhà nước quản lý theo cơ chế chuyển đổi quyền sử dụng đất và dồn điền đổi thửa được quy định tại Điều 167 Luật Đất đai và Điều 78 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Phương án 3: Thực hiện đấu giá đối với các thửa đất thuộc Nhà nước quản lý, có đủ điều kiện hình thành dự án độc lập.

Phương án 4: Đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện hoán đổi phần đất thuộc Nhà nước quản lý để lấy đất đã có hạ tầng của dự án, theo tỉ lệ do Nhà nước quy định.

Và trong bốn phương án, hiệp hội đề nghị UBND TP chỉ đạo xem xét từng trường hợp cụ thể để áp dụng phương án 4 cho phù hợp, có lý có tình.

Tuy nhiên, dù với phương án nào cũng cần phải báo cáo các cơ quan có thẩm quyền của trung ương để được xem xét, phê duyệt trước khi thực hiện để đảm bảo nguyên tắc công chức, viên chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép và đảm bảo an toàn cho người thực thi công vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm