Việc Bộ TN&MT đề nghị Hà Nội và TP.HCM sớm thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường đang được dư luận rất quan tâm bởi các phương tiện này được xác định là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường. Các phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu được xác định là các loại ô tô khác hay mô tô, xe máy. Tuy nhiên, hiện nay đối với các loại xe này lại chưa có quy định về việc thu hồi. Do vậy, câu hỏi làm thế nào để thu hồi, loại bỏ các phương tiện này đang còn bỏ ngỏ.
Gặp khó khi thu hồi
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đối với xe máy, các xe sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải mới được đưa ra thị trường. Còn xe máy đang lưu hành, từ năm 2010, Thủ tướng ban hành Quyết định số 909/2010 phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP. Trong đó, đưa ra lộ trình áp dụng theo địa phương, loại xe (kiểu loại, năm sử dụng) và giải pháp triển khai.
Theo vị đại diện Cục Đăng kiểm, thời gian qua, do Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) chưa có quy định trên nên phải chờ để có cơ sở pháp lý triển khai. Hiện dự thảo Luật GTĐB sửa đổi đang được xây dựng cũng đã có nội dung kiểm soát khí thải xe máy để lấy ý kiến, chuẩn bị cho việc kiểm soát môi trường đối với xe máy.
Người dân dùng xe máy cũ nát chở hàng ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Việc quản lý xe máy cũ nát để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường là yêu cầu bức xúc của xã hội. Tuy vậy, việc này liên quan đến quyền sở hữu tài sản nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý khi thu hồi. Giải pháp để loại bỏ xe máy cũ nát trong giai đoạn hiện nay là Nhà nước, nhà sản xuất và người dân cùng vào cuộc. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để nhà sản xuất thu hồi xe cũ và đổi xe máy mới cho người dân.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần kiểm soát chặt điều kiện lưu hành của phương tiện, như tăng cường kiểm tra, xử lý xe cũ nát vi phạm điều kiện tham gia giao thông (giấy tờ, gương, đèn, thực tế chở...) sẽ góp phần ngăn ngừa xe cũ nát không an toàn, gây ô nhiễm môi trường tham gia giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT), cho biết dự luật GTĐB sửa đổi không quy định việc thu hồi xe cá nhân, mà chỉ đưa vào nội dung kiểm soát khí thải đối với xe máy đang lưu hành. Còn lộ trình như thế nào thì sau này các văn bản dưới luật sẽ quy định chi tiết.
“Việc thu hồi xe máy hết niên hạn nằm trong Luật Tài nguyên môi trường và thẩm quyền của Bộ TN&MT về thu hồi sản phẩm thải bỏ chứ giao thông không có quy định thu hồi các xe cá nhân, vì nó là tài sản cá nhân… Kể cả ô tô khách cũng không quy định là thu hồi, chỉ là hết niên hạn không được phép tham gia giao thông” - ông Dương nói.
Ban hành các chính sách phù hợp
Theo TS Dương Hoán, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, để chấm dứt tình trạng đưa vào lưu thông những xe mô tô, xe máy hư hỏng, mục nát, không bảo đảm công năng, thiết kế kỹ thuật ban đầu cần có một giải pháp toàn diện, có căn cứ pháp lý và phù hợp với thực tiễn.
Thứ nhất, nghiên cứu, ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với mô tô, xe máy. Theo đó, tùy vào đặc điểm thiết kế, công năng của từng loại mà có thời hạn tham gia giao thông phù hợp. Để bảo đảm tính ổn định và có thể dự đoán của chính sách, bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức, quy định về niên hạn mới ban hành (nếu có) chỉ áp dụng đối với những mô tô, xe máy đăng ký mới từ sau ngày quy định về niên hạn có hiệu lực. Đối với những xe đã đăng ký, quy định về niên hạn được tính từ ngày quy định về niên hạn có hiệu lực, dù có thể quy định ngắn hơn (ở một mức độ hợp lý) so với niên hạn áp dụng đối với xe mới sản xuất và được đăng ký lần đầu.
Thứ hai, Nhà nước cần ban hành và thực hiện các chính sách phù hợp (như phối hợp với nhà sản xuất, các tổ chức hữu quan) để khuyến khích việc dừng đưa vào lưu thông những phương tiện hết “đát” như chương trình thu mua xe cũ để tiêu hủy; chương trình thu cũ đổi mới…
Thứ ba, đẩy mạnh việc thực thi các quy định hiện hành về bảo đảm an toàn GTĐB đang có hiệu lực như quy định của Luật GTĐB về việc “chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt” (khoản 2 Điều 55); quy định về xử phạt chủ mô tô, xe máy và các loại xe tương tự mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm như “tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe” (điểm c khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019) hay các quy định liên quan về bảo vệ khí thải, tiếng ồn của phương tiện…•
Mức phạt không đủ sức răn đe Theo luật sư Nguyễn Sơn Lâm, Đoàn luật sư TP.HCM, hiện nay theo quy định tại Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt thì mức phạt đối với hành vi vi phạm về phương tiện tham gia gtđb còn quá thấp. Theo đó, tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 100 thì xử phạt người điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông với khung hình phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Mức phạt này áp dụng một số hành vi vi phạm như điều khiển xe không còi, xe gắn biển số không đúng quy định, xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng, xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, xe không có hệ thống hãm… Luật sư Lâm cho rằng mức hình phạt như vậy là quá nhẹ, không đủ sức răn đe đối với người có hành vi vi phạm và sẽ không tương xứng với hậu quả thiệt hại nếu để xảy ra tai nạn giao thông. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, luật cần quy định tăng cao mức hình phạt đối với loại hành vi vi phạm này. Mức phạt cụ thể là bao nhiêu để tương xứng với các hành vi vi phạm này thì Chính phủ phải có nghiên cứu để quy định mức phạt cho hợp lý. |