Ngày 20-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết đường băng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (TP Hà Nội) đang hư hỏng nặng và có nguy cơ dừng khai thác bất cứ lúc nào, nhất là Cảng HKQT Nội Bài.
Nguy hiểm tính mạng hành khách
Theo lãnh đạo Cảng HKQT Nội Bài, hai đường cất, hạ cánh (CHC) 11L/29R và 11R/29L đang khai thác quá tải. Có thời điểm số chuyến bay CHC lên tới 42 chuyến/giờ trong khi năng lực khai thác là 37 chuyến/giờ. Tần suất khai thác, đặc biệt là các máy bay có trọng tải lớn gia tăng dẫn đến hạ tầng khu bay ngày càng xuống cấp với mức độ, mật độ và phạm vi hư hỏng ngày càng tăng.
Cụ thể, trên bề mặt đường CHC 11L/29R xuất hiện hiện tượng hằn vệt bánh máy bay theo vệt càng rộng 1 m, có hiện tượng nứt dọc tim kiểu rạn chân chim với khe nứt 1 mm, dài 30-50 cm ngắt quãng… Bề mặt đường CHC 11R/29L thường xuyên xuất hiện hư hỏng như nứt vỡ và phùi bùn…
Còn tại sân bay Tân Sơn Nhất, đường băng 07L/25R cũng xuống cấp nặng nề, cần được đại tu toàn bộ phần móng. Các đường lăn cũng nằm trong tình cảnh tương tự.
Trước thực trạng này, ACV phải bỏ tiền ra duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo an toàn bay. “Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp sửa chữa tạm thời, tính chủ động không cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho hoạt động bay, thậm chí phải dừng khai thác bất cứ thời điểm nào…” - lãnh đạo ACV nói.
“Riêng hai đường băng sân bay Nội Bài không còn đáp ứng các tiêu chuẩn khai thác. Tôi phải khẳng định việc khai thác hiện nay rất nguy hiểm đối với tính mạng hành khách. Trên thế giới không có nước nào đường băng hư hỏng như vậy mà vẫn khai thác…” - lãnh đạo ACV thẳng thắn.
Hư hỏng ở khu vực đường băng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: VIẾT LONG
ACV: Có tiền nhưng không được sửa
Theo ACV, trước đây kết cấu hạ tầng cảng hàng không được giao cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, từ 1-4-2016, ACV chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Theo đó, tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (trừ sân đỗ) là của Nhà nước. “Vì vậy, việc đầu tư, bảo trì, sửa chữa các đường băng không thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp” - lãnh đạo ACV nói.
Cuối năm 2018, Bộ GTVT từng kiến nghị Thủ tướng xem xét, bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ. Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách, Bộ kiến nghị Thủ tướng xem xét phương án cho ACV sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để đầu tư các dự án nêu trên (dự kiến cần gần 4.500 tỉ đồng).
Mới đây, tại cuộc họp triển khai công tác an toàn, an ninh hàng không những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu sớm xử lý vướng mắc liên quan đến hạ tầng khu bay. Theo Phó Thủ tướng, khu bay, cụ thể là đường CHC tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, xuống cấp trong khi cơ chế lại không cho phép ACV triển khai. “Tiền có mà cơ chế không cho làm là rất vô lý. Cơ chế vô lý, phải tập trung tháo gỡ nhanh” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. |
Trong thời gian chờ đợi, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính cho phép ACV sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng khu bay để sửa chữa ngay hệ thống sân đường khu bay...
Tuy nhiên, góp ý về đề nghị này, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cho rằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn hiện còn 3.700 tỉ đồng nhưng phải dùng vào giải quyết các tồn đọng về vốn của Bộ GTVT.
Bên cạnh đó, việc đề xuất ACV sử dụng nguồn vốn của mình để sửa chữa là chưa phù hợp với quy định về quản lý tài sản công và ngân sách nhà nước. “Điều vô lý là Nhà nước không có tiền, để sân bay hư hỏng nặng, ACV dù có tiền cũng không thể sửa chữa vì vướng cơ chế” - lãnh đạo ACV nói.
Theo lãnh đạo ACV, để gỡ nút thắt này, Bộ GTVT đang sửa Nghị định 102/2015 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay. “Khi nghị định này ra đời, ACV mới có thể bỏ tiền ra làm được. Tuy nhiên, qua nhiều lần góp ý, đến nay nghị định này vẫn chưa ra đời. Trong khi việc sửa chữa hư hỏng đường băng là hết sức cấp bách” - lãnh đạo ACV thông tin.
Liên quan đến vấn đề trên, chúng tôi đã liên hệ với Cục Hàng không Việt Nam và đang chờ câu trả lời… Tuy nhiên, theo một nguồn tin, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 102/2015 (vừa hết hạn lấy ý kiến vào cuối tháng 7) sẽ tháo gỡ khó khăn hiện nay về các rào cản làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện công tác quản lý, đầu tư xây dựng, các thủ tục về đất đai để phát triển cảng hàng không Việt Nam.
Hư hỏng toàn diện sẽ rất khó sửa Cảng HKQT Nội Bài vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét và sớm giải quyết vướng mắc về cơ chế vốn đối với tài sản khu bay nhằm tăng tính chủ động và đẩy nhanh việc đầu tư, sửa chữa các dự án trọng điểm. Xây dựng cơ chế tài chính linh hoạt trong một số trường hợp cần phải thực hiện ngay để khắc phục các sự cố nhằm đảm bảo cho hoạt động bay an toàn và liên tục. “Đặc biệt, cho phép tiến hành sửa chữa lớn càng sớm càng tốt đường CHC 11L/29R phạm vi 600 m đầu 11L, một số khu vực trên đường CHC 11R/29L, các đường lăn S7, S3, S2 và S1 khu vực sân quay đầu tây…” - đơn vị này kiến nghị. |