Gỡ tắc mặt đất và bầu trời ​cho sân bay Tân Sơn Nhất

Lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết: Bộ Quốc phòng vừa có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị cho phép bộ này được thực hiện việc bàn giao mặt bằng khu đất 16,5 ha do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý (quận Tân Bình, TP.HCM). Việc bàn giao này nhằm mục đích xây dựng nhà ga T3 thuộc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN).

Dự án nhà ga T3 được kỳ vọng chia lửa với nhà ga quốc nội T1 vốn đã quá tải nhiều năm nay. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Hai dự án cần phải hoàn thành đồng bộ

Cụ thể, hồi tháng 5-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3. Thủ tướng giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV làm chủ đầu tư dự án.

Phía ACV thông tin các thủ tục đấu thầu, thiết kế, kỹ thuật đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ Thủ tướng cho phép Bộ Quốc phòng giao đất là dự án khởi công ngay vào tháng 10-2021. Thời gian hoàn tất dự án này hơn 24 tháng so với dự kiến 37 tháng đưa ra kể từ khi Thủ tướng phê duyệt.

Theo quy hoạch, nhà ga T3 được xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế với công suất 20 triệu hành khách/năm. Dự án còn mở rộng sân đỗ máy bay, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ (hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mặt, thoát nước thải…). Đồng thời nhà ga T3 phải đạt mục tiêu phù hợp với quy hoạch, phân chia sản lượng khai thác giữa hai sân bay TSN và Long Thành.

Nhà ga T3 còn được kỳ vọng sẽ giảm tải cho nhà ga T1. Cụ thể, nhiều năm qua, sân bay TSN đã khai thác vượt công suất thiết kế. Điển hình trong giai đoạn hàng không phát triển nóng (2017-2019) là 30% với khoảng 36 triệu khách/năm. Riêng nhà ga T1 khai thác hơn 22 triệu khách/năm. Trước áp lực kẹt bầu trời và mặt đất, đòi hỏi cần có thêm nhà ga T3 để chia lửa tại sân bay, nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm.

Nói về “giải vây” cho sân bay TSN, nhiều chuyên gia cho rằng nếu chỉ làm nhà ga T3 thôi là chưa đủ mà còn phải tính đến phương án giao thông kết nối với nhà ga từ bên ngoài sân bay, không chỉ gỡ ách tắc dưới mặt đất mà còn phải tính toán cả trên bầu trời. Nếu không sẽ gặp tình trạng thông thoáng bên trong nhưng ách tắc bên ngoài hoặc ngược lại.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban giao thông), cho biết ban đã có kiến nghị với UBND TP để tháo gỡ khó khăn cho dự án đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Đây là dự án kết nối với nhà ga T3 sau khi hoàn thành.

Theo ông Ninh, để đồng bộ với nhà ga T3 thì dự án đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa cần khởi công trong tháng 12-2021 và hoàn thành vào tháng 7-2023.

Theo đó, hiện nay Ban giao thông đang kiến nghị UBND TP chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn tất thủ tục bàn giao đất thực hiện dự án.

Thời điểm thích hợp để thực hiện dự án

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, đánh giá việc triển khai nhà ga khách T3 là phù hợp với quy hoạch tối đa 50 triệu khách mỗi năm tại sân bay TSN. Thiết kế này cũng phù hợp với điều kiện giao thông, khí thải, môi trường tại TP đông dân nhất cả nước.

“Đây là thời điểm thích hợp để triển khai dự án, vì lưu lượng các chuyến bay quốc tế còn hạn chế, cộng với khách nội địa giảm do dịch bệnh. Do đó, việc triển khai hạn chế ảnh hưởng đến khai thác của nhà ga và các hãng bay. Đến khi dịch bệnh kiểm soát tốt thì chúng ta sẽ đưa vào khai thác là rất kịp thời” - ông Châu chia sẻ.

Theo ông Châu, cùng với sân bay Long Thành công suất khai thác 100 triệu khách/năm sẽ tạo mối tương hỗ lẫn nhau giữa hai sân bay, tháo gỡ sự ách tắc cả bầu trời lẫn mặt đất.

KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cũng đánh giá nhà ga T3 bên trong sân bay và dự án đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa bên ngoài sân bay là thực sự cần thiết và cần gấp rút đầu tư. Điều cần thiết hiện nay là Nhà nước nên có biện pháp để các đơn vị phải hoàn thành các dự án theo một tiến độ chung. Khi Chính phủ chỉ đạo kiên quyết, dứt khoát thì dự án sẽ được hoàn thành đúng tiến độ và đồng bộ cả bên trong lẫn bên ngoài.

Ông Cương phân tích thêm: Khi nhà ga T3 được hoàn thành thì các dự án kết nối cũng cần được hoàn thiện để đảm bảo kết nối và khai thác hiệu quả của nhà ga T3. Ngược lại, nếu các dự án kết nối với sân bay TSN không được hoàn thành đúng tiến độ thì khu vực này sẽ bị kẹt xe cục bộ.

“Trong thời gian sân bay Long Thành chưa có thì sân bay TSN sẽ giải quyết giao thông bằng đường hàng không khu vực phía Nam. Do đó, dự án này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch cho TP.HCM và phía Nam” - ông Cương nhấn mạnh.

Gần 16.000 tỉ đồng làm hai dự án “giải cứu” sân bay

Dự án nhà ga T3 sân bay TSN có tổng mức đầu tư khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn của ACV.

Thủ tướng giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án và các nội dung thẩm định hồ sơ dự án tại văn bản gửi Bộ KH&ĐT theo quy định pháp luật. Từ đó, bảo đảm ACV có đủ điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án của ACV theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến của các bộ, ngành liên quan.

Còn dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa có chiều dài hơn 4 km sẽ có cầu vượt rộng hơn 17 m trước nhà ga T3. Tổng mức đầu tư dự án gần 4.850 tỉ đồng do Ban giao thông làm chủ đầu tư. 

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm