Ngày 24-4, trao đổi với PLO, ông Võ Đại Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp (viết tắt là BQLDA) tỉnh Kon Tum, cho biết đơn vị đang đẩy mạnh thi công tỉnh lộ 676 nối hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi.

Ông Tân thông tin: để đảm bảo hoàn thành trước 31-12-2025, BQLDA yêu cầu các nhà thầu huy động nhiều phương tiện, máy móc, nhân lực triển khai 20 mũi thi công, tăng ca ngày đêm. Đến nay, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 70% và đã san ủi, thi công 30 km.
Theo ông Võ Đại Tân, dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi là tuyến giao thông quan trọng nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương và khu vực Bắc Tây Nguyên.
Dự án góp phần giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 24, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, kết nối khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi.
Đặc biệt, sau sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi, tuyến giao thông này sẽ đảm bảo đi lại thuận lợi, rút ngắn thời gian đi lại trong tỉnh mới.

Tuyến giao thông này dài 62 km, thiết kế đường cấp 3 miền núi, nền đường rộng 9 m, mặt đường bê tông xi măng và lề gia cố rộng 8 m. Đối với những đoạn địa hình đặc biệt khó khăn sẽ áp dụng tiêu chuẩn đường cấp 4, cấp 5 miền núi nhằm đảm bảo thi công, khai thác hiệu quả. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỉ đồng do BQLDA tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư.
Theo ông Tân, khó khăn nhất hiện nay là mùa này ở Kon Tum mưa nhiều, mưa giông rất nguy hiểm. Mặt khác, đây là tuyến độc đạo nên yêu cầu thi công không được dàn trải, gây cản trở lưu thông đối với người dân. Do vậy, các đơn vị phải đảm bảo thi công đến đâu hoàn thành đến đó, đảm bảo hiệu quả, an toàn.
Một số hình ảnh thi công dự án tỉnh lộ 676 nối hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi:










Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kỳ vọng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku kết nối rừng với biển
(PLO)- Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có vốn đầu tư hơn 43.500 tỉ đồng sẽ khởi công năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2029.