Theo Bộ GTVT, 12 dự án xây dựng đường cao tốc phía Nam đã lập xong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Các dự án này sẽ được sắp xếp đầu tư theo thứ tự ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, để các dự án này đảm bảo đúng tiến độ thì vẫn là một thách thức lớn.
Phải giải quyết được ba vấn đề khó khăn
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT, thuộc Trường ĐH Việt Đức, cho rằng một dự án đường cao tốc có ba vấn đề khó khăn cần giải quyết gồm: Vốn, giải phóng mặt bằng (GPMB) và thủ tục.
Thứ nhất: Về vốn, TS Tuấn khẳng định phát triển đường cao tốc thì không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước được. Theo kinh nghiệm từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và nhiều nước ở châu Âu, họ đều thiết lập quỹ phát triển đường cao tốc. Thông thường quỹ này lấy từ thuế xăng dầu, trong đó cứ 1 USD xăng dầu thì có 40% đi vào quỹ phát triển đường cao tốc.
Ngoài ra, phí thu được từ tất cả tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư đều được nộp vào quỹ phát triển đường cao tốc. Quỹ này phải được xây dựng và nuôi dưỡng để có nguồn xây dựng các tuyến cao tốc khác về vùng sâu, vùng xa. Từ đó đảm bảo sự công bằng, phát triển đồng bộ tới tất cả vùng, miền.
“Để làm được điều này, Nhà nước cần có sự cải tổ trong chính sách quốc gia, cần có luật phát triển đường sắt - đường cao tốc. Luật đó cần xác định tuyến đi từ đâu đến đâu, lộ trình ra sao và xác định nguồn tiền cho nó” - ông Tuấn góp ý.
Thứ hai: Đối với vấn đề GPMB, TS Tuấn cho rằng hiện còn vướng nhiều quy định mà địa phương đang bị làm khó. Khi Nhà nước lấy đất để làm đường cao tốc thì người dân bị mất rất nhiều quyền lợi. Chính vì vậy, vấn đề bồi thường GPMB đã có nhiều bất cập về pháp lý, cụ thể là khung giá bồi thường.
“Theo đó, Nhà nước cần thay đổi chính sách bồi thường GPMB, phải lo nhiều mặt hơn cho người dân. Nhà nước cần đưa người dân đến địa điểm có thể an cư và lập nghiệp, bồi thường phải có sự tương xứng cho người dân” - ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định mỗi dự án cao tốc đều có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao. Do vậy, khi chọn nhà thầu thi công xây dựng, Bộ GTVT đã chỉ đạo lựa chọn các đơn vị xây lắp, tư vấn giám sát có đủ năng lực, kinh nghiệm để thi công.
Đồng thời, Bộ GTVT quy định rõ trong hồ sơ mời thầu và trong hợp đồng trách nhiệm của các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công phải đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được đầu tư, mở rộng trong giai đoạn 2021-2025. Trong ảnh: Xe cộ nối đuôi nhau trên cao tốc TP.HCM -Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG GIANG
Thứ ba: Về mặt thủ tục, TS Tuấn cho biết các dự án hiện nay còn phức tạp với nhiều thủ tục. Đơn cử như một dự án bị chậm trễ, xin gia hạn hoặc dự án bị đội vốn, phát sinh… đều phải xin ý kiến các bộ, ngành và có thể mất thời gian cả năm, có khi nhiều năm. Thậm chí những dự án danh mục A phải trình Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành… tóm lại, mất rất nhiều thời gian.
Song song, việc GPMB chậm dẫn đến tiến độ chậm, gây đội vốn…., nếu quá 10% thì phải trình lại từ đầu cũng gây mất thời gian. Do đó, Nhà nước nên đơn giản hóa thủ tục, giao lại cho địa phương làm.
“Việt Nam đã hội nhập quốc tế thì cần hội nhập quy trình quản lý đầu tư, đơn giản hóa thủ tục… Bởi thủ tục không tạo ra giá trị xã hội mà còn kìm hãm sự phát triển” - TS Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, giải quyết được ba vấn đề khó khăn về nguồn vốn, mặt bằng và thủ tục là các dự án sẽ thông.
Cần có sự liên kết từ nhiều bên
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Ban quản lý dự án 7, trực thuộc Bộ GTVT (chủ đầu tư dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây), cho rằng: Trách nhiệm của địa phương trong công tác GPMB là vô cùng quan trọng đối với tiến độ dự án. Phải có đủ mặt bằng sạch chủ đầu tư mới có thể cam kết đảm bảo đưa các dự án về đích đúng kế hoạch.
“Đã có quá nhiều dự án phải “ngâm” vì thiếu mặt bằng sạch, gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đội vốn, hao mòn máy móc, nhân công…” - ông Khoát nhận định.
Hiểu rõ trách nhiệm của địa phương trong công tác GPMB, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết: Ngay từ khi có dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã tuyên truyền, vận động cho các huyện làm công tác tư tưởng để người dân hiểu về trách nhiệm, quyền lợi khi xây dựng dự án.
“Khi người dân hiểu, đồng thuận thì người dân sẽ sớm bàn giao mặt bằng. Chỉ cần hoàn thành công tác GPMB thì coi như cũng đã đưa dự án hoàn thành được 50% tiến độ” - ông Trung nhận định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết để đưa các dự án cao tốc về đúng tiến độ thì cần có sự liên kết từ Bộ GTVT tới địa phương, người dân.
Cụ thể, về công tác GPMB, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương ngay từ bước lập quy hoạch. Sau đó, công bố rộng rãi cho người dân hiểu về dự án, kế hoạch thu hồi đất và quản lý xây dựng.
Quá trình triển khai dự án, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tháo gỡ các khó khăn trong công tác bồi thường GPMB.
Về nguồn vốn, thứ trưởng cho hay Bộ GTVT sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết để huy động các nguồn lực đầu tư nhằm đảm bảo tiến độ các dự án.
Về mặt chất lượng xây dựng, Bộ GTVT cũng chỉ đạo áp dụng tiến bộ khoa học, vật liệu, công nghệ mới để giảm giá thành xây dựng. Đồng thời, sử dụng mô hình quản lý hiện đại BIM trong công tác quản lý tiến độ, chất lượng các dự án xây dựng hạ tầng giao thông.•
Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cao tốc
Tôi cho rằng khi phát triển lĩnh vực giao thông thì cần ưu tiên đầu tư đường cao tốc vì chính cao tốc tạo nên sự phát triển của cả vùng. Trong cao tốc thì ưu tiên phát triển các trục giao thông xương sống theo trục dọc Bắc - Nam, đặc biệt là trục kết nối TP.HCM đi Cần Thơ - Cà Mau - Long Xuyên.
Từ trục dọc xương sống, chúng ta tiếp tục phát triển thêm các trục ngang kết nối vùng và liên vùng. Tuy nhiên, tiến độ các dự án là một bài toán cần phải tính nhằm phát huy được hiệu quả kết nối đồng bộ. Theo đó, trong năm năm tới, ngành chức năng cần phấn đấu hoàn thành các tuyến cao tốc đã đề ra theo kế hoạch.
Để làm được điều này, chúng ta cần có cách làm mới trong tiếp cận tổng thể. Cụ thể là xác định thứ tự ưu tiên với yêu cầu là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cơ chế huy động nguồn lực.
Kế hoạch, quy hoạch được đề ra nhưng không có vốn thì không thể thực hiện, mà vốn ngân sách thì có hạn. Về việc này, chúng ta có thể khuyến khích nguồn vốn đầu tư từ tư nhân và doanh nghiệp bằng cơ chế hợp lý.
Về phía địa phương: Mỗi tỉnh, thành cần chủ động đặt mục tiêu cao hơn, trên cơ sở đó tính toán, tận dụng tất cả cơ hội để có những giải pháp tối ưu nhất. TS TRẦN HỮU HIỆP, chuyên gia kinh tế ĐBSCL