Ngày 2-4, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Sở GTVT Đà Nẵng, cho hay đơn vị vừa ra thông báo về việc tạm đình chỉ hiệu lực có thời hạn một số loại phù hiệu, biển hiệu xe kinh doanh vận tải.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT Đà Nẵng tạm thời đình chỉ có thời hạn hiệu lực của phù hiệu, biển hiệu đối với một số loại hình kinh doanh vận tải: Xe tuyến cố định, taxi, xe hợp đồng (trừ xe đưa đón công nhân), xe du lịch và xe buýt từ 0 giờ ngày 1-4 đến hết ngày 15-4.
Kiểm soát xe ra vào TP Đà Nẵng tại cửa ô Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu. Ảnh: TẤN VIỆT
Quy định chặt chẽ là vậy, tuy nhiên hiện nay các loại hình xe ké, xe ghép vẫn hoạt động rầm rộ từ Đà Nẵng đi các tỉnh lân cận.
Theo ông Cường, xe ké có hai dạng. Một dạng có phù hiệu hợp đồng thì bây giờ cũng đã đình chỉ nên có chở khách cũng là vi phạm. Dạng thứ hai là chạy “dù”, chạy “gió”, không có phù hiệu nên càng vi phạm nghiêm trọng hơn.
“Sở GTVT đã có văn bản thông báo cho các doanh nghiệp tạm ngừng phù hiệu, gửi cho cảnh sát giao thông ở các quận, huyện và các trạm cửa ô tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm rồi” - ông Cường nói.
Trên thực tế, ghi nhận của PV cho thấy rất dễ dàng để có thể đặt một chiếc xe ké từ Đà Nẵng đi Huế hay Quảng Nam, Quảng Ngãi thời điểm này. Hình thức phổ biến nhất là vào các trang Facebook đi xe ké miền Trung để đăng tin tìm xe.
Một chiếc xe ké là loại xe ô tô từ 4 đến 7 chỗ ngồi, tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19. Trong khi việc xử lý các loại xe ké, xe trá hình hợp đồng nhiều năm qua vẫn là bài toán khó với lực lượng chức năng tại các tỉnh, TP miền Trung.
Trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Ngọc Rạng, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Hiệp (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP Đà Nẵng), cho hay đơn vị vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý xe ké, xe trá hình nhưng cũng gặp không ít khó khăn.
“Xử lý đối tượng này khó lắm vì mình phải có chứng cứ, tài xế cứ nói đang chở người nhà, chở người đi thăm bệnh... thì mình cũng chịu. Hành khách cũng nói theo như vậy, không ủng hộ mình. Thực tế mình biết bản chất là xe hoạt động chui, chở khách có thu tiền đó nhưng khó xử lý. Hành khách mà hợp tác, khai báo trung thực thì mình mới có bằng chứng xử lý. Quan trọng là chứng minh xe đó chở khách có thu tiền” - ông Rạng nói.
Theo ông, ngành GTVT cần có quy định chặt chẽ hơn để siết hoạt động loại hình này.
“Người dân cũng phải biết rằng loại hình xe ké, xe ghép đang hoạt động lách luật, không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế… Việc người dân đi xe ké khai báo không trung thực với cảnh sát giao thông là vô tình tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật. Chưa kể đến mùa dịch COVID-19 cũng nên hạn chế di chuyển” - ông Rạng nói thêm.
Được biết, tại các trạm cảnh sát giao thông cửa ô ở Đà Nẵng hiện nay đều đang quản rất chặt xe ra vào TP. Tất cả các phương tiện xe máy, ô tô khi vào địa phận Đà Nẵng đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt. Riêng với xe biển số Đà Nẵng ra khỏi TP đều được khuyên quay đầu xe nếu không thực sự cần thiết phải di chuyển.