Lâm Đồng quyết tâm làm cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài khoảng 73,5 km với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng. đây là một trong ba đoạn của dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Đề nghị Chính phủ hỗ trợ 2.500 tỉ đồng

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện dự án theo hình thức PPP với số vốn 2.500 tỉ đồng, trong thời gian từ năm 2022 đến 2024. vốn địa phương là 1.500 tỉ đồng và vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.000 tỉ đồng. UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết nguồn vốn từ ngân sách nhà nước sẽ dùng chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn cho cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là 20 năm.

Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành mới đây về dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết tỉnh đang thực hiện các phần việc để triển khai dự án được giao với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện tại, Văn phòng Chính phủ đang yêu cầu tỉnh Lâm Đồng hoàn chỉnh hồ sơ về chủ trương chuyển đổi rừng.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết dự án tuy còn nhiều khó khăn, song qua buổi làm việc với Phó Thủ tướng thì nhiều nội dung đã được tháo gỡ, đặc biệt là chủ trương giải quyết chuyển đổi mục đích đất rừng của dự án. Tỉnh Lâm Đồng và các nhà đầu tư cam kết phối hợp để triển khai dự án, đồng thời đảm bảo hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ đã đề ra.

Đại diện Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết hiện nay UBND tỉnh đã giao sở tiến hành nghiên cứu, xem xét hướng tuyến, kỹ thuật, cầu vượt... để báo cáo UBND tỉnh và Sở GTVT đang tích cực triển khai.

Sơ đồ tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Đồ họa: HỒ TRANG

Cần sớm đầu tư cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho rằng hiện nay, cao tốc phía Nam còn rất ít, chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ so với cả nước nên việc kết nối giao thông, kinh tế đến các vùng kinh tế trọng điểm còn hạn chế. Do đó, cần sớm đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương để tạo sự đồng bộ kết nối từ TP.HCM, Đông Nam bộ tới khu vực Lâm Đồng và Tây Nguyên được thuận tiện hơn.

Theo ông Tính, Nhà nước nên tính toán để làm cao tốc song song với các tuyến đường độc đạo như quốc lộ 14, quốc lộ 20 nối lên Tây Nguyên. Khi đó người dân sẽ có thêm sự lựa chọn khi di chuyển, đồng thời khi có thêm nhiều tuyến đường sẽ tăng sự kết nối liên vùng. Ngoài ra, khi có đường cao tốc, vận tải hàng hóa và hành khách giữa TP.HCM và Lâm Đồng được thuận tiện hơn. Đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng cường phát triển du lịch giữa các địa phương.

“Tuy nhiên, hiện nay vấn đề bồi thường GPMB và vốn đầu tư là vướng mắc lớn nhất của các dự án. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các địa phương cần chuẩn bị mặt bằng sạch để dự án sẵn sàng khởi công. Đồng thời, Nhà nước cũng cần tính toán đưa ra giá bồi thường tiệm cận nhất để người dân đồng thuận. Đây cũng là phương án giải quyết khó khăn về bồi thường GPMB, tránh tình trạng dự án chờ mặt bằng” - ông Tính nói.

Theo TS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là dự án quan trọng kết nối TP.HCM - Tây Nguyên, khơi thông du lịch và nông sản. Đặc biệt TP.HCM là một thị trường lớn của Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên. Sau khi tuyến giao thông này được hoàn thiện sẽ tạo sự liên kết vùng, phát triển một loạt cụm đô thị dọc các tuyến cao tốc, với nhiều khu du dịch…, đây là một lợi thế mà Lâm Đồng và các địa phương nên tận dụng.

“Để đánh giá hiệu quả của tuyến cao tốc thì cần đánh giá tầm nhìn của cả khu vực và các địa phương cần coi đây là cơ hội để phát triển. Chúng ta cần nghĩ đến các đô thị, khơi thông hàng loạt dự án phát triển theo đó” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng những dự án này nếu biết cách tổ chức, liên kết thì sẽ thu hồi vốn từ nguồn xã hội hóa nhanh. Và nếu có quy hoạch tốt thì sẽ có nhiều nhà đầu tư vào dự án.•

Dự án Dầu Giây - Liên Khương được Bộ GTVT giao cho Ban quản lý dự án Thăng Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo các đoạn: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, đề xuất sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đoạn Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài 61 km, tổng vốn đầu tư 7.369 tỉ đồng; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc có tổng chiều dài 66 km, tổng mức đầu tư 16.220 tỉ đồng và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài khoảng 73,5 km và tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng.

Tháng 1-2021, UBND hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất phương án đầu tư đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dài 67 km theo phương thức PPP, có tổng mức đầu tư khoảng 18.200 tỉ đồng. UBND hai tỉnh đề nghị giao tỉnh Lâm Đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án. Hiện UBND tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm