Rồi đây nếu dự án hình thành, lớp lớp biệt thự, khách sạn, nhà liền kề… mọc lên như những bức tường bê tông khổng lồ chắn hết tầm nhìn ra biển. Nơi những cư dân cả đời bám đảo, chiều chiều ngồi ghế đá trướcđình làng An Vĩnh, nhìn ra bến Đình lộng gió mà hàn huyên với đời, với biển.
“Có dự án phát triển thì quá tốt nhưng quan trọng là vị trí nào. Chúng tôi sẵn sàng dẫn nhà đầu tư đi quanh đảo chỉ chỗ cho họ làm”. Những công dân trên đảo khi được hỏi đều khẳng định với chúng tôi như vậy. Theo họ, không phải ngẫu nhiên mà các bậc tiền nhân khi xây dựng lăng, đình, miếu mạo… đều chọn vị trí sát biển, hướng ra khơi. Ngoài việc mang tâm thức truyền thống ngư dân còn có ý nghĩa giữ gìn chủ quyền biển, đảo, khát vọng vươn xa...
Với The Sea Eyes hay nhiều dự án khác xin được đầu tư tại Lý Sơn thì điều quan trọng là người dân cầnđược lắng nghe, cần được bày tỏ chính kiến của mình. Bởi lẽ từng thế hệ người dân sinh ra, lớn lên ở đảo đã quen thuộc và nắm rõ từng dòng nước, từng nhánh cây, ngọn cỏnơi đây. Với lễ hội đua thuyền truyền thống, người dân sẽ chỉ ra đâu là trường đua oanh liệt nhất. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các bô lão sẵn sàng hướng dẫn doanh nghiệp cách bảo tồn tốt nhất. Hay như kế sinh nhai của dân đảo, họ cũng sẵn lòng chia sẻ từng cách làm từ đơn giản đến phức tạp nhất.
Việc còn lại của chủ đầu tưlà lắng nghe, điều chỉnh dự án sao cho hợp lý, hài hòa nhất lợi ích người dân - doanh nghiệp. Tiếc rằng chủ đầu tư dự án The Sea Eyes chưa làm được điều này. Bằng chứng là dự án đã được đề xuất nhưng hầu hết người dân bản địa lại rất mơ hồ dù đã qua hai lần họp. Họ chỉ biết mắt tròn mắt dẹt xem bản vẽ dự án trên giấy rồi hoang mang về một tương lai sẽ mất đi kế sinh nhai và cả bản sắc văn hóa truyền thống.
Ngồi xuống với dân không chỉ là yêu cầu đối với chủ đầu tư mà còn là với chính quyền tỉnh Quảng Ngãi. Sẽ không nhiều sự giằng co giữa người dân và doanh nghiệp nếu chính quyền làm tốt vai trò cầu nối, chỉ ra ưu, nhược điểm của dự án để người dân thấu hiểu.
Đặc biệt, chính quyền phải đứng ra cảnh báo với doanh nghiệp về quá trình triển khai dự án, bê tông cốt thép có thể sẽ là những gì đập vào mắt các đoàn khảo sát của UNESCO khi thẩm định địa chất Lý Sơn vào năm 2020. Bởi nó có thể hủy hoại những nỗ lực của tỉnh này trong nhiều năm qua, trong việc xin UNESCO công nhận Lý Sơn - Sa Huỳnh là công viên địa chất toàn cầu.
Thận trọng với Lý Sơn không bao giờ là thừa mà còn là điều cốt yếu nếu thế hệ này không muốn có lỗi với tiền nhân và hậu thế.