Liên quan đến tình trạng ô nhiễm trầm trọng sông Cái Lớn (huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, Hậu Giang), ngày 6-5, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu đã đi kiểm tra, khảo sát các tuyến sông bị ô nhiễm thuộc địa bàn huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và tại Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát.
Dòng nước đen kịt xả thẳng ra sông
Đoàn kiểm tra ghi nhận nước mặt ở sông Nước Đục và sông Cái Lớn vẫn chưa hoàn toàn sạch. Đặc biệt, tại khu vực gần cống xả thải của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát có một dòng nước màu đen kịt kèm mùi hôi thối chảy trực tiếp ra sông Cái Lớn.
Tại buổi kiểm tra, chủ tịch tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát phải tạm dừng sản xuất.
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát, cho biết hiện có khoảng 2.500 tấn mía nguyên liệu của người dân đang tập kết tại cầu cảng của công ty và đề nghị nhà máy được tiếp tục hoạt động sản xuất hết lượng mía này. Đồng thời, công ty cam kết sẽ chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm giám sát của các cơ quan chức năng liên quan.
Đối với đề nghị của công ty, chủ tịch tỉnh Hậu Giang ghi nhận và sẽ xem xét, sớm có ý kiến trả lời. “Tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng quan điểm của tỉnh là doanh nghiệp đến hoạt động tại Hậu Giang phải chấp hành các quy định của pháp luật, trong đó có quy định về môi trường” - chủ tịch tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.
Chủ tịch tỉnh Lê Tiến Châu cũng yêu cầu các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương nhanh chóng thống kê thiệt hại của người dân để có hướng hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát, phân tích, đối chiếu các mẫu ô nhiễm và mẫu tại nơi nghi ngờ để có cơ sở xác định nguyên nhân.
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (đi đầu), kiểm tra môi trường tại Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát. Ảnh: HẢI DƯƠNG
6.000 hộ dân thiếu nước sạch
Trước đó, vào cuối tháng 4, nước sông Cái Lớn bị nhuộm một màu đen kèm theo mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và làm chết nhiều loài thủy sản nuôi trên sông.
Đỉnh điểm là ngày 2-5, nguồn nước đen đã lan rộng đến trung tâm thị xã Long Mỹ khiến khoảng 6.000 hộ dân lâm vào tình trạng thiếu nước sạch. Ông Nguyễn Bá Nam, Giám đốc Chi nhánh Cấp thoát nước - Công trình đô thị thị xã Long Mỹ, cho biết do nước sông Cái Lớn bị ô nhiễm nên phải tạm ngừng lấy nước từ sông này cấp phát cho người dân. Để có nước sinh hoạt cho dân, chi nhánh cấp nước phải lấy nguồn nước ngầm để cung cấp nhưng nguồn nước này cũng không đủ để cung cấp liên tục.
Theo báo cáo của Phòng TN&MT huyện Long Mỹ, tình trạng nguồn nước ô nhiễm đã xảy ra từ ngày 24-3 đến nay, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở hai xã Thuận Hưng và Vĩnh Thuận Đông, trong đó có sáu hộ nuôi cá trên sông bị thiệt hại ước tính gần 300 triệu đồng.
Ngày 22-4, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ đã tiến hành khảo sát trên tuyến sông bị ô nhiễm và phát hiện tại cống xả của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát đang xả thải ra sông có màu vàng nhạt.
Ngày 2-5, đoàn kiểm tra Công an tỉnh Hậu Giang đã kiểm tra trực tiếp tại Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát và lấy sáu mẫu nước để phân tích, đồng thời yêu cầu công ty khắc phục ngay việc xả thải ra sông Cái Lớn.
Cũng theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, việc đánh giá báo cáo đánh giá tác động môi trường tại công ty này thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT, do đó tỉnh sẽ có báo cáo với bộ này để có phương án xử lý.
Tiếp tục truy nguyên nhân gây ô nhiễm Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đánh giá Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát là một trong những nghi can gây ô nhiễm nặng nước sông ở huyện và thị xã Long Mỹ vừa qua. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến nước sông ô nhiễm còn xuất phát từ thói quen sinh hoạt của người dân, việc chăn nuôi thủy sản trên sông... “Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng vượt quy định 0,5-4 lần. Mọi mối nghi ngờ hầu như đang tập trung vào Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát, còn đây có phải là nguyên nhân chính hay không thì chúng ta đang tiếp tục xem xét” - ông Châu nói. |