Bộ GTVT vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo đó, bộ trưởng yêu cầu cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông chậm nhất đến ngày 8-7 phải hoàn thành phê duyệt kế hoạch triển khai tổng thể đối với tất cả bốn dự án thành phần của sân bay.
Các cơ quan, đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đồng Nai để xây dựng tiến độ triển khai tổng thể với mốc hoàn thành toàn bộ việc giải phóng mặt bằng trong năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội.
Mô hình sân bay Long Thành khi hoàn thành. Ảnh: ACV
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được giao làm việc với tư vấn và các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án chủ động nhập khẩu trang thiết bị phục vụ dự án, nhất là các thiết bị phục vụ hoạt động quản lý bay.
Đối với công tác xây dựng nhà ga do ACV làm chủ đầu tư, Bộ GTVT khẳng định đây là các hạng mục có yêu cầu rất cao về công nghệ và kỹ thuật cũng như tiến độ triển khai.
Do vậy, ACV cần chủ động rà soát, kiện toàn nhân sự Ban Quản lý dự án để điều hành dự án hiệu quả, đúng tiến độ.
Trong đó, cần lưu ý nghiên cứu phương án thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án hoặc chuyên gia nước ngoài có năng lực, nhiều kinh nghiệm, uy tín để quản lý điều hành dự án.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phấn đấu hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị dự án sân bay Long thành trước ngày 31-3-2025 để vận hành chạy thử, nghiệm thu hoàn thành trong quý II-2025 và đưa dự án chính thức khai thác vào quý IV-2025.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 được đầu tư một đường băng, một nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự án hơn 109 ngàn tỉ đồng, tương đương 4,664 tỉ USD. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025.
Dự án này được chia thành bốn dự án thành phần. Trong đó ACV làm chủ đầu tư hạ tầng quan trọng nhất gồm nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống giao thông kết nối …
Khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ là sân bay tầm cỡ trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam, đồng thời san sẽ gánh nặng cho sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã quá tải nhiều năm qua.