UBND tỉnh Đồng Nai vừa báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Một góc khu tái định cư Bình Sơn - Lộc An. Ảnh: VŨ HỘI
Không bồi thường vì cây cao su “hết đát”
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, vừa qua Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có kết luận kiểm toán ngân sách của địa phương. Trong đó, một số kiến nghị của KTNN có quan điểm khác nhau gây những khó khăn, vướng mắc.
Chẳng hạn, theo Nghị định 47/2014 của Chính phủ thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao đất hoặc đủ điều kiện giao đất nhưng chưa được giao; do nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, khai hoang theo quy định pháp luật... được UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi xác nhận đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất.
Như vậy, việc áp dụng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề tìm kiếm việc làm, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường căn cứ các đối tượng là thành viên gia đình có trong hộ khẩu được cơ quan cấp có thẩm quyền xác nhận để áp dụng hỗ trợ là phù hợp.
Tuy nhiên, quan điểm của KTNN cho rằng các nhân khẩu trong sổ hộ khẩu có mối quan hệ gia đình như: Cha vợ (chồng), mẹ vợ (chồng), anh, chị, em vợ (chồng), chú, bác, cậu, dì... thì không đủ kiện hỗ trợ.
Tiếp đó UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng ngoài các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu… không được hỗ trợ các chính sách chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm thì các đối tượng còn lại được áp dụng chính sách này là phù hợp theo quy định. Tuy nhiên, KTNN cho rằng các nghề nghiệp như công nhân, nội trợ... là những đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên không đủ điều kiện hỗ trợ.
Đặc biệt, việc bồi thường, hỗ trợ vườn cây của Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Cao su Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai cho rằng theo kết luận của KTNN thì phần vườn cây đã quá tuổi kinh doanh khai thác, khi thanh lý cũng không gây thiệt hại gì nên không cần hỗ trợ. Vì vậy KTNN cho rằng việc tham mưu phê duyệt giá bồi thường, hỗ trợ số lượng cây cao su này chưa phù hợp.
Tuy nhiên, theo tỉnh Đồng Nai, từ khi có quy hoạch dự án thì Tổng công ty Cao su Đồng Nai không đầu tư, tái sản xuất trong thời gian dài, có công trong việc bảo vệ đất đai không bị lấn chiếm. Mặt khác, thời gian thuê đất còn lại của công ty là đến năm 2043, do thu hồi trước thời hạn thuê đất nên khoảng thời gian này công ty bị mất nguồn thu nhập và phát sinh thiệt hại lớn. Nhiều năm trở lại đây tuy đã thu hồi đất trồng cây cao su với diện tích rất lớn nhưng Nhà nước không có quỹ đất khác để giao cho công ty đầu tư tái sản xuất.
Bên cạnh đó, khi Nhà nước thu hồi đất, Tổng công ty Cao su Đồng Nai không được bồi thường đất, chỉ bồi thường cây cao su, hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc và hỗ trợ khác để khôi phục năng lực sản xuất… với mức 475 triệu đồng/ha. “Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ giải trình với KTNN về nội dung này để thống nhất việc bồi thường, hỗ trợ giá trị vườn cây cao su phù hợp quy định…” - UBND tỉnh Đồng Nai cho hay.
Liên quan đến 1.000 trường hợp người dân chuyển nhượng, cho tặng đất bằng giấy tay, hiện tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Long Thành phối hợp với Sở TN&MT và các sở, ngành liên quan xử lý các hồ sơ bồi thường theo quy định. |
Địa phương nhận được 196 đơn kiện
Về việc bồi thường khu vực xây dựng sân bay Long Thành (5.000 ha), UBND tỉnh Đồng Nai cho biết hiện đơn vị đã ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 17/18 tổ chức với diện tích 1.899 ha, với tổng số tiền là hơn 944 tỉ đồng.
Đối với diện tích đất của người dân, hiện đã thu hồi được gần 3.000 ha của 5.541 hộ gia đình, cá nhân. Hiện còn 1.449 hộ gia đình, cá nhân đang tiến hành thu hồi đất. Trong đó, UBND xã Bình Sơn và các phòng ban chuyên môn đang tập trung thực hiện xác nhận, thẩm tra nguồn gốc đất cho 449 hộ. Dự kiến áp giá, họp dân công khai phương án bồi thường, trình thẩm định, phê duyệt và chi trả trong quý II-2021. “Còn lại khoảng 1.000 trường hợp chuyển nhượng, cho tặng bằng giấy tay, địa phương sẽ xem xét tính pháp lý của từng hồ sơ để xử lý cho phù hợp…” - báo cáo cho biết.
Về khu tái định cư, hiện hội đồng xét duyệt tái định cư cấp xã đã tổ chức xét duyệt được 1.138 hộ. Trong đó, hội đồng bồi thường dự án đã xét duyệt 634 hộ đủ điều kiện tái định cư.
Cạnh đó, UBND huyện Long Thành đã phê duyệt phương án bồi thường cho toàn bộ 1.190 thân nhân của 1.920 ngôi mộ, với tổng số tiền bồi thường là 31,33 tỉ đồng. Trong đó có 89 thân nhân chưa liên hệ nhận tiền bồi thường. “Đối với 84 ngôi mộ vắng chủ, huyện Long Thành đã có chủ trương di dời. Đồng thời, Sở Tài chính đã phê duyệt danh mục di dời các phần mộ vắng chủ. Hiện nay, UBND huyện Long Thành đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện triển khai công tác di dời mộ theo đúng quy định…” - UBND tỉnh Đồng Nai cho biết.
Ngoài ra, quá trình tiến hành bồi thường đất, UBND huyện Long Thành nhận được 196 đơn kiến nghị liên quan đến dự án. Trong đó, huyện Long Thành đã xử lý ban hành thông báo kết quả xử lý đơn đến hộ dân là 177 đơn. Hiện còn lại 19 đơn, các phòng, ban của huyện Long Thành đang rà soát, tham mưu xử lý...•
Đã giải ngân được hơn 9.700 tỉ đồng Trong tháng 5-2021, tỉnh Đồng Nai đã giải ngân được trên 1.075 tỉ đồng, lũy kế giải ngân từ năm 2018 đến nay là hơn 9.717 tỉ đồng (đạt 42,52%). Về khu tái định cư, tỉnh Đồng Nai cho biết dự án tái định cư tại xã Lộc An, xã Bình Sơn, dù quy trình thi công ca đêm, tuy nhiên một số nhà thầu không tập trung nhân công để làm, không tổ chức tăng ca đặc biệt là nhà thầu khu 7, 6, 8. Dự án xây dựng sân bay Long Thành có diện tích là 5.000 ha, với tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2025. Các hạng mục lớn, quan trọng của dự án được Thủ tướng giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư. |