Quan điểm các bên về tách Luật Giao thông đường bộ

Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa báo cáo Thủ tướng dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB. Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an và Bộ GTVT có văn bản xin ý kiến các cơ quan của Đảng, Quốc hội (QH) và Chính phủ về nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH đối với hai dự án luật trên. Với dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB, 13 cơ quan có văn bản tham gia ý kiến; Luật GTĐB có 29 cơ quan ý kiến nhưng thể hiện quan điểm khác nhau, chưa có sự đồng thuận.

Nhiều bộ chưa nêu quan điểm

Cụ thể, về việc tách Luật GTĐB có bốn cơ quan đồng ý gồm: Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ. Các cơ quan còn lại chưa thể hiện quan điểm đồng ý ở mức độ khác nhau.

Lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện xử phạt hành vi vi phạm trên đường. 
Ảnh: VIẾT LONG

Về việc chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an chỉ có Bộ Công Thương nêu quan điểm đồng ý. Ban Nội chính Trung ương đề nghị chỉ quy định mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Các cơ quan còn lại chưa nêu quan điểm, có cơ quan đề nghị tiếp thu ý kiến của đại đa số đại biểu QH hoặc cần giải trình, đánh giá tác động kỹ lưỡng, thuyết phục hơn.

Theo VPCP, để đóng góp thêm cho hai dự luật trên, ngày 27-12-2021, Thường trực Chính phủ đã họp cho ý kiến. Sau đó, Thủ tướng yêu cầu hai bộ cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH và các cơ quan liên quan. Trong đó, thể hiện rõ quan điểm, thật sự cầu thị, bám sát yêu cầu của thực tiễn và vì lợi ích của nhân dân.

Ngoài ba nội dung lớn mà các đại biểu QH có ý kiến, Bộ Công an và Bộ GTVT được giao bổ sung, hoàn thiện các nội dung khác; tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý để đảm bảo chất lượng, tính khả thi của hai dự án luật. Đồng thời tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận rộng rãi.

Trường hợp tách làm hai luật, Thủ tướng yêu cầu ban soạn thảo cần phải giải trình, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, thuyết phục với đầy đủ cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý, thực tiễn. Do có liên quan chặt chẽ với nhau nên hai dự án luật này phải được trình đồng thời.

Cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng đồng ý đổi tên hai dự án luật thành dự án Luật Đường bộ và dự án Luật TTATGTĐB trong lần trình tới, thay vì tên gọi là Luật Bảo đảm TTATGTĐB như trình QH lần đầu. Song song đó, rà soát, phân định rành mạch, đầy đủ, đồng bộ, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ trống…

Về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Thủ tướng cho rằng nội dung thuyết minh, giải trình của cả Bộ Công an và Bộ GTVT phải thuyết phục hơn, có đầy đủ cơ sở vững chắc để có thể quyết định giao cho bộ nào. Do vậy, cần tiếp tục tổng kết, phân tích, đánh giá thực tiễn một cách đầy đủ, khách quan; đánh giá tác động toàn diện, kỹ lưỡng đối với việc giao thẩm quyền quản lý lĩnh vực này.

Thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX

Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, VPCP cho biết Bộ GTVT đã chỉnh lý nhiều vấn đề thuộc nội dung của dự án luật. Chẳng hạn điều chỉnh dự luật không trùng lặp với dự án Luật TTATGTĐB.

Về vấn đề thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, lãnh đạo Bộ Công an và Bộ GTVT đã có sự thống nhất. Theo đó, thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Đối với dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB, VPCP cho rằng Bộ Công đã thuyết trình rõ hơn về việc tách luật. Trong đó, chủ yếu nêu ra những bất cập, không hợp lý của Luật GTĐB hiện hành, như phạm vi điều chỉnh quá rộng; phân công, phân cấp quản lý nhà nước chưa rõ ràng, hợp lý. Lĩnh vực bảo đảm TTATGTĐB có mục tiêu, đối tượng quản lý khác với các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB. Do vậy, việc tách ra để điều chỉnh bằng một đạo luật riêng là hợp lý, có cơ sở, phù hợp với xu hướng lập pháp chung của nhiều nước.

Về việc chuyển giao thẩm quyền quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, VPCP cho rằng Bộ Công an đã nhấn mạnh đây là lĩnh vực quản lý hành vi của con người để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, liên quan trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Trên cơ sở đó, VPCP nêu rõ quan điểm việc tách Luật GTĐB ra thành hai luật là cần thiết, có cơ sở, phù hợp với xu hướng lập pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý đất nước. Cạnh đó, việc đề xuất đổi tên hai dự án luật so với lần trình trước đây là phù hợp với phạm vi và đối tượng điều chỉnh của từng dự án.

Về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đề nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì xây dựng đề án về vấn đề này, tập trung nghiên cứu, tổng kết, thống nhất để báo cáo, giải trình với Ủy ban Thường vụ QH. “Sau khi hoàn chỉnh Chính phủ sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ QH bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình QH xem xét vào kỳ họp thứ ba, thông qua đồng thời hai dự án luật vào kỳ họp thứ tư, trong năm 2022” - VPCP nêu quan điểm.•

Triển khai các khâu một cách kỹ lưỡng

Ngày 19-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1-2022. Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật, trong đó có Luật GTĐB sửa đổi, Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, tiếp tục phát huy. Những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau, hoặc chưa có quy định, hoặc vượt quy định thì mạnh dạn đổi mới, làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Về phương pháp làm việc, Thủ tướng yêu cầu cần triển khai các khâu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật một cách kỹ lưỡng. Chú trọng việc huy động trí tuệ tập thể, tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn, người dân và doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, các ý kiến phản biện để có luận cứ phong phú hơn, tạo đồng thuận trong xây dựng và thực thi pháp luật…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm