Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vừa qua Bộ GTVT, Bộ Công an và một số bộ, ngành đã họp thống nhất việc sửa Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm kết luận: “Các đại biểu (ĐB) thống nhất” báo cáo Chính phủ trình Quốc hội (QH) Luật GTĐB sửa đổi và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB (luật mới, tách từ Luật GTĐB).
Trên cơ sở này, Bộ GTVT vừa hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, kèm văn bản giải trình một số ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV.
Dự thảo Luật Bảo đảm TTAT GTĐB (Bộ Công an soạn thảo) sẽ
quy định về việc đăng ký, cấp, thu hồi biển số xe; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe. (Ảnh nhỏ: Báo cáo kết quả thăm dò ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp thứ 10,
Quốc hội khóa XIV về hai dự luật). Ảnh: VIẾT LONG
Sẽ có Luật Đường bộ?
So với lần trình ra QH vào tháng 10-2020, dự thảo lần này có điểm mới nhất đó là đổi tên Luật GTĐB thành Luật Đường bộ. Tuy nhiên, dự luật vẫn giữ nguyên sáu chương, 102 điều và phạm vi điều chỉnh. Cụ thể, luật này chỉ quy định về kết cấu hạ tầng GTĐB, phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về GTĐB.
Điều này có nghĩa Luật Bảo đảm TTAT GTĐB (do Bộ Công an soạn thảo) sẽ quy định về việc đăng ký, cấp, thu hồi biển số xe GTĐB; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe (GPLX)…
Giải trình về việc tách luật, Bộ GTVT lý giải là để đảm bảo phù hợp với mục đích, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, QH việc chỉnh lý các dự án luật được thực hiện theo hướng: Kế thừa, hoàn thiện những chế định về bảo đảm TTAT GTĐB của Luật GTĐB 2008, hoàn thiện các nội dung về bảo đảm TTAT GTĐB gắn với việc hoàn thiện các nội dung về GTĐB.
Cụ thể, Bộ GTVT cho rằng đó là phân công, phân nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng về bảo đảm TTAT giao thông, về GTĐB hợp lý, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong công tác này. Song song đó, rà soát, chỉnh lý, bảo đảm khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo giữa các nội dung quản lý nhà nước về GTĐB và về TTAT GTĐB, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật…
Về việc chuyển đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, Bộ GTVT cho biết đa số ĐBQH yêu cầu đánh giá tác động toàn diện, khách quan, khoa học, tránh cục bộ, khép kín, độc quyền. Tuy nhiên, Bộ GTVT thấy rằng việc này Chính phủ đã đánh giá tại hồ sơ dự án Luật Bảo đảm TTAT GTĐB nên không đề cập thêm.
Dự luật mới đã tiếp thu nhiều ý kiến của ĐBQH
Bàn cụ thể về dự luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT giải trình từng ý kiến, đóng góp của ĐBQH tại kỳ họp thứ 10 một cách khá chi tiết, đầy đủ, cụ thể với 49 trang.
Chẳng hạn, về đề nghị của ĐBQH trong việc bỏ quy định cấp giấy phép kinh doanh vận tải (KDVT) hành khách, Bộ GTVT cho rằng hoạt động KDVT hành khách là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật GTĐB và Luật Đầu tư hiện hành.
Theo đó, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng… và điều kiện đầu tư kinh doanh phải được áp dụng theo một trong các hình thức: Giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ. “Do đó, việc quy định cấp giấy phép KDVT là cần thiết để bảo đảm công tác quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh có điều kiện…” - Bộ GTVT lý giải.
Về ý kiến của ĐBQH đề nghị bổ sung quy định cụ thể thời gian làm việc của tài xế trong một ngày và bổ sung quy định cụ thể chế tài xử phạt đối với chủ doanh nghiệp có hành vi bắt tài xế tăng cường độ làm việc, Bộ GTVT khẳng định vấn đề này đã được tiếp thu và chỉnh lý ở Điều 62 của dự luật.
Theo đó, thời gian làm việc của tài xế phải bảo đảm quy định của Bộ luật Lao động và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Trong đó, thời gian nghỉ tối thiểu là 5 phút đối với tài xế taxi, xe buýt nội tỉnh; tối thiểu là 15 phút đối với tài xế vận tải nội bộ, tài xế các loại hình KDVT khác. Cạnh đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm thời gian điều khiển xe của tài xế không quá 10 giờ trong 24 tiếng liên tục.
Bộ GTVT cũng khẳng định dự luật lần này đã bỏ quy định về chứng chỉ hành nghề lái xe theo đề nghị của ĐBQH. “Riêng việc đưa vào dự luật quy định xử phạt doanh nghiệp bắt tài xế tăng cường độ làm việc để giảm chi phí đã thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính nên Luật GTĐB không quy định…” - Bộ GTVT lý giải thêm.
Nhiều ĐBQH từng không tán thành việc tách luật Đầu năm 2020, Bộ Công an đề xuất tách Luật GTĐB 2008 thành hai luật là Luật GTĐB (do Bộ GTVT soạn thảo) và Luật Bảo đảm TTAT GTĐB (do Bộ Công an soạn thảo). Sau đó Chính phủ chấp thuận đề nghị này và yêu cầu xây dựng hai luật theo nguyên tắc: Cái gì thuộc giao thông tĩnh, xây dựng công trình thì thuộc Bộ GTVT quản lý, cái gì liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì giao cho Bộ Công an. Tháng 8-2020, Văn phòng Chính phủ thực hiện phát phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về việc xác định cơ quan nào sẽ quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Theo đó, 11/19 thành viên Chính phủ đồng ý giao Bộ GTVT, chỉ có 8/19 thành viên Chính phủ muốn giao công tác này cho Bộ Công an. Ngày 15-9, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH hai luật này. Tháng 10-2020, tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV đã cho ý kiến về hai dự luật này. Tại đây, nhiều ý kiến phản đối việc tách Luật GTĐB. Sáng 17-11-2020, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về vấn đề có nên tách Luật GTĐB và chuyển chức năng quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX sang cho Bộ Công an. Kết quả, đa số ĐB không tán thành việc tách luật và giao Bộ Công an đảm nhận việc cấp GPLX… Cũng tại kỳ họp QH này, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua việc chuyển dự luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ hai QH khóa XV. Ngày 24-6-2021, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ GTVT và Bộ Công an có văn bản tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, có phương án tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của ĐBQH và các cơ quan, bảo đảm sự thống nhất, đồng thuận về phương án tiếp thu, giải trình, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-10-2021. Cuối tháng 8-2021, Bộ Công an, Bộ GTVT họp bàn về dự luật và đi đến thống nhất tiếp tục đề xuất tách Luật GTĐB thành hai luật. |