Quy hoạch sân bay cần bài bản, tỉnh táo

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bác đề xuất bổ sung sân bay của 11 địa phương

Theo đó, giai đoạn 2021-2030 sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số CHK lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội (Nội Bài) và vùng TP.HCM (Tân Sơn Nhất và Long Thành).

Cùng với đó, từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 CHK hiện hữu, đầu tư sáu CHK mới để nâng tổng số CHK của cả nước đưa vào khai thác lên 28 CHK, tổng công suất thiết kế đáp ứng khoảng 278 triệu lượt hành khách; đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới CHK trong phạm vi 100 km. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống CHK đến năm 2030 khoảng 400.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 22% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành), được huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Sân bay Tân Sơn Nhất với vai trò đầu mối sẽ được ưu tiên đầu tư
giai đoạn 2021-2030. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng quy hoạch toàn quốc, đã có 11 địa phương đề xuất bổ sung sân bay nhưng bị bác gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Đắk Nông, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Bình Phước, Kon Tum, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Ninh Thuận.

Còn trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, Bộ GTVT chỉ đề xuất bổ sung sáu sân bay mới gồm: Long Thành (Đồng Nai, đang xây dựng), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết (Bình Thuận), nâng tổng số lên 28 sân bay và quy hoạch giai đoạn 2030-2050 sẽ bổ sung sân bay Cao Bằng lên 29 sân bay.

Cần tính toán cẩn trọng khi quy hoạch

Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, nhận xét quy hoạch lần này không có nhiều khác biệt so với quy hoạch giai đoạn 1992-1997. TS Châu cho biết ông được mời tham gia với tư cách chuyên gia phản biện cho quy hoạch này và có một số vấn đề còn băn khoăn đã đóng góp ý kiến.

Giai đoạn 1992-1997, ông là viện trưởng Viện Hàng không Việt Nam, làm trưởng Ban quản lý mạng CHK, sân bay, đã mời 35 đơn vị là các bộ, ngành, trường đại học, các nhà thiết kế, tư vấn và 67 nhà khoa học quy hoạch mạng CHK và sân bay rất bài bản và công phu. Đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia rất hùng hậu, đưa ra nhiều ý kiến rất chất lượng, trong đó phân tích thành hai nhóm CHK, sân bay quân sự và CHK, sân bay dân dụng. Sau đó thống nhất lấy tên chung là CHK dân dụng. Theo mô hình một số nước, sân bay nào sử dụng cao cho mục đích quân sự thì do quân sự làm chủ; ngược lại, sân bay nào khai thác dân dụng chiếm ưu thế thì do dân sự làm chính.

Đánh giá chung, ông Châu cho rằng hệ thống CHK, sân bay hiện tương đối hợp lý nhưng cần hoàn thiện một số điểm chính có tầm nhìn tương lai thoáng rộng hơn, bao gồm công tác quy hoạch, mở sân bay ở các tỉnh, đầu mối lớn đóng vai trò trung tâm quốc tế và quốc nội.

Điểm đáng chú ý trong quy hoạch mới, giai đoạn 2021-2030 sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số CHK lớn, gồm đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM. Về điểm này, TS Châu cho rằng nên hình thành ba đầu mối lớn theo trục gồm: Sân bay Long Thành, Đà Nẵng/Chu Lai và Hà Nội. Trong đó, tập trung lớn nhất là sân bay Long Thành do đây là vùng kinh tế Đông Nam bộ. Đối với khu vực miền Trung nên hình thành điểm trung chuyển quốc tế nhưng do lâu nay chưa được đẩy mạnh để hấp dẫn nên cần làm mới và có chiến lược tốt hơn. Đồng thời cần chú ý đến các vùng kinh tế thu hút nhu cầu đi lại và thông thương hàng hóa cao.

TS Châu đánh giá tiềm năng khai thác bầu trời còn rộng lớn, hiện chỉ khai thác 12% đối với mạng bay quốc tế và quốc nội. Như vậy, tính trên tỉ lệ không gian thì dư địa còn rất lớn, trong đó rất cần máy bay nhỏ đi lại giữa các vùng. Ngoài yếu tố một số tỉnh đề xuất làm sân bay cho “bằng chị bằng em” thì các địa phương đều có tầm nhìn về việc mở mang đi lại bằng đường hàng không, dù họ chưa tường tận về hàng không.

Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, trong tương lai hàng không tư nhân vẫn còn dư địa rất lớn, việc bay ra các đảo cùng nhu cầu tăng lên sẽ cần các sân bay ở các tỉnh. Đồng thời, việc trao đổi kinh tế giữa các vùng sẽ thay đổi trong tương lai nên cần xem xét thấu đáo, tỉnh táo để không bị lỡ nhịp phát triển trong tương lai. Chẳng hạn như sân bay Cà Mau hiện khách còn thấp nhưng về lâu dài có thể đưa vào khai thác bay biển, đảo phát triển du lịch rất tốt. Trong đó, quy hoạch đi trước một bước để khi cần phát triển mở rộng không bị động.

Ông Châu cũng chia sẻ thực tế tư nhân đã tham gia làm sân bay, mở các hãng hàng không đã từng bước khơi thông ngành hàng không nước nhà phát triển, cạnh tranh.

 

Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không chưa thuyết phục

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay của Bộ GTVT chưa thuyết phục. Đó là các tiêu chí đưa ra chưa rõ căn cứ vào tiêu chí nào để đánh giá nơi này có sân bay, nơi kia không có. Đồng thời, trong quy hoạch này chưa làm rõ khoảng cách giữa các sân bay và tính hiệu quả của nó. Chẳng hạn như sân bay Quảng Trị nằm giữa hai sân bay Đồng Hới và Huế, khoảng cách quá gần nhau trong khi quy mô dân số và thu nhập của Quảng Trị chưa cao.

Tôi đề xuất nên vẽ ranh giới giữa các khu vực địa lý và tính toán số lượng dân số, thu nhập và hướng phát triển tương lai để không bị lãng phí nguồn lực khi mở sân bay lại không có khách. Đồng thời chú ý khi đưa vào quy hoạch sân bay vùng Tây Bắc do khu vực này số lượng dân cư thấp, thu nhập chưa cao. Ngược lại như Phú Quốc, dư địa phát triển du lịch cao cần ưu tiên mở rộng, dù số lượng dân cư vừa phải.

Cần tính toán mở sân bay nhỏ, sau đó có đánh giá lượng khách đi lại tăng đến mức độ bao nhiêu thì mới mở rộng thêm. Đồng thời hạn chế sự biến tướng một sân bay tiềm năng thấp nhưng vẫn để quy hoạch quá lớn sẽ lãng phí tài nguyên đất đai, vốn đầu tư và phát triển theo mục đích khác.

TS Nguyễn Thiện Tốngnguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, ĐH Bách khoa TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm