Trong chương trình chỉnh trang đô thị TP.HCM giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đặt ra mục tiêu cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới 237/474 chung cư cũ xây dựng từ trước năm 1975. Tính đến nay đã năm năm, nhiều chung cư thuộc diện nguy hiểm, hư hỏng nặng buộc phải tháo dỡ khẩn cấp và chung cư không thuộc dạng di dời khẩn cấp cũng đã được di dời, chuẩn bị đầu tư. Theo đó, đã có hàng trăm tỉ đồng chi cho việc cải tạo, sửa chữa gần 200 chung cư. Riêng 15 chung cư cấp D (cấp nguy hiểm, hư hỏng nặng) cũng đang được tổ chức di dời dân, tháo dỡ và chuẩn bị xây dựng.
Chung cư 155-157 Bùi Viện, phường Bến Thành, quận 1 là một trong những chung cư hư hỏng nặng phải di dời khẩn cấp. Ảnh: VIỆT HOA
Năm 2017, quận 1 đã cưỡng chế di dời các hộ dân tại chung cư 128 Hai Bà Trưng, quận 1 do chung cư này có nguy cơ sụp đổ. Ảnh: VIỆT HOA
Hoàn thành di dời dân tại 10/15 chung cư
Trên địa bàn quận 1 có ba chung cư cấp D, thuộc loại có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào và phải di dời khẩn cấp là chung cư Hưng Long (128 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao), chung cư 155-157 Bùi Viện (phường Bến Thành) và chung cư 23 Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé) với tổng cộng 275 hộ dân. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, UBND quận 1 đã và đang tổ chức di dời toàn bộ hộ dân ra khỏi chung cư nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo UBND quận 1, chung cư Hưng Long được xây dựng trước năm 1975 gồm bốn tầng, nhiều năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng và đa số hộ dân đã đồng ý bán căn hộ cho Công ty CP Châu Á Thái Bình Dương và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư này để đầu tư xây dựng lại. Chỉ còn khoảng sáu hộ dân chưa đồng ý về giá nên còn nán lại, chưa di dời. Đến tháng 9-2017, chung cư Hưng Long có nhiều dấu hiệu sụp đổ, UBND quận 1 đã phải tổ chức cưỡng chế di dời khẩn cấp các hộ dân đang còn ở lại trong chung cư.
Ghi nhận của PV sau gần bốn năm, dù người dân đã di dời hết nhưng chung cư vẫn chưa được tháo dỡ. Để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh, chủ đầu tư đã rào lại và để biển cảnh báo công trình có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào và đề nghị giữ khoảng cách an toàn.
Tại chung cư Bùi Viện cũng đã có hơn 80% cư dân rời đi, còn lại 16/100 hộ vẫn đang bám trụ lại chung cư. Chung cư này nằm ngay trong lòng phố đi bộ Bùi Viện, do đa phần người dân đã dọn đi hết nên khá im ắng. Hiện nay, ngoài các hộ chưa di dời, phần phía dưới chung cư đang được tận dụng làm bãi giữ xe máy. Riêng chung cư 23 Lý Tự Trọng với hai block năm tầng và tám tầng với 81 hộ dân đã được tháo dỡ hoàn toàn vào tháng 3-2020. Khu đất có diện tích hơn 1.200 m2 (diện tích sàn xây dựng hơn 8.000 m2) này cũng đã có chủ là Công ty CP Địa ốc Downtown.
Được biết do đang vướng mắc trong khâu xác định nghĩa vụ tài chính về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của chủ đầu tư với phần diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước (15 căn) nên chủ đầu tư chưa thể xây dựng. Liên quan đến vấn đề này, Sở Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng đưa vào nội dung sửa đổi Nghị định 101/2015 của Chính phủ.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong 15 chung cư cấp D với 1.023 hộ, hiện đã di dời được sáu chung cư với tổng số 333 hộ dân. Năm chung cư di dời dở dang với 206 hộ dân, tổng cộng đã di dời được 539 hộ dân ra khỏi các chung cư này.
Ngoài ra có bốn chung cư gồm chung cư 23 Lý Tự Trọng, quận 1 và ba chung cư trên địa bàn quận Tân Bình: 47 Hưng Long, 137 Lý Thường Kiệt (phường 7), 40/1 Tân Phước, 170-171 Tân Châu (phường 8) đã hoàn thành việc tháo dỡ. Sở Xây dựng cho biết trừ chung cư 170-171 do UBND quận Tân Bình làm chủ đầu tư, ba chung cư còn lại đã có chủ đầu tư. “Các doanh nghiệp cũng đang trong quá trình làm thủ tục để đầu tư mới” - Sở Xây dựng cho hay.
Chung cư không phải cấp D cũng được tháo dỡ
Bên cạnh chung cư buộc phải di dời dân để đầu tư xây mới, nhiều chung cư không thuộc cấp D cũng đã được các nhà đầu tư thương lượng với người dân, mua lại và hoàn thành xong công tác tháo dỡ.
Cụ thể là chung cư Cô Giang (lô A, B, C, D quận 1), chung cư 134A Lý Chính Thắng và 239 Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5), chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) và chung cư Thanh Đa (lô IV, lô VI, quận Bình Thạnh). Ngoài ra, ba chung cư không phải cấp D tại 765 Bến Bình Đông (quận 8), Nakyco (quận Tân Phú) và 518 Võ Văn Kiệt (quận 1) cũng đã di dời xong.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, cho biết quận 3 có 38 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Trong đó, chỉ có chung cư 11 Võ Văn Tần thuộc cấp D, còn lại là cấp B, C. Tuy nhiên, ông Bình cho biết hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư đang có nguyện vọng đầu tư xây mới nhiều chung cư cũ tại quận 3.
Trên địa bàn quận 3 hiện có hai chung cư (239 Cách Mạng Tháng Tám và 134A Lý Chính Thắng) không phải chung cư cấp D nhưng cũng đã được tháo dỡ xong.
Theo ghi nhận của PV, chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám do Công ty AKYN thương lượng với các hộ dân để mua lại toàn bộ dự án, hiện là mặt bằng trống đã được rào lại. Khu đất có diện tích 3.640 m2 với vị trí khá đắc địa này dự kiến sẽ được xây dựng căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê.
Ông Trần Thanh Bình cho biết điều thuận lợi nhất của dự án này là chủ đầu tư đã thương lượng bồi thường và 100% hộ dân đã đồng ý di dời, bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, không phải dự án cải tạo chung cư cũ không phải cấp D nào cũng thuận lợi như dự án này. Bởi theo quy định, để xây mới một chung cư cũ thì phải được sự đồng ý của 100% cư dân. Theo các địa phương, đây là điều không tưởng.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Xây dựng cũng đã có công văn kiến nghị Bộ Xây dựng sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho TP.HCM đẩy nhanh công tác cải tạo, xây mới chung cư cũ. Theo Sở Xây dựng, TP có nhiều cụm chung cư có kết quả kiểm định cấp C đã hư hỏng, xuống cấp, nhếch nhác, gây mất cảnh quan đô thị như chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), cư xá Vĩnh Hội (quận 4), chung cư Viễn Đông (quận 5), Ấn Quang, Ngô Gia Tự (quận 10), Tân Phước (quận 11), Thanh Đa (quận Bình Thạnh)…
Sở Xây dựng cho rằng các chung cư này đều rất cần tháo dỡ, xây mới, góp phần chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, quy định hiện nay muốn tháo dỡ thì phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu là vướng mắc rất lớn khiến cho việc tháo dỡ, xây mới đến nay chưa thực hiện được.•
Từ năm 2016 đến nay, toàn TP đã thực hiện cải tạo, sửa chữa, di dời 213/237 chung cư với tổng kinh phí hơn 275,5 tỉ đồng. Trong đó, đã di dời được 14 chung cư (sáu chung cư cấp D và tám chung cư không phải cấp D), đạt tỉ lệ gần 90%. Sở Xây dựng TP.HCM |
15 chung cư cấp D trên địa bàn TP Bốn chung cư đã tháo dỡ là chung cư 23 Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé, quận 1), 47 Hưng Long (phường 7) và 170-171 Tân Châu, 40/1 Tân Phước (phường 8, quận Tân Bình). Năm chung cư đã có chủ đầu tư gồm 128 Hai Bà Trưng, 23 Lý Tự Trọng (quận 1), 11 Võ Văn Tần (quận 3), 47 Hưng Long, 40/1 Tân Phước (quận Tân Bình). Bốn chung cư chưa có chủ đầu tư gồm 155-157 Bùi Viện (quận 1), Vĩnh Hội, 6Bis Nguyễn Tất Thành (quận 4), 43 Bình Tây (quận 6). Ba chung cư tại quận Tân Bình có diện tích nhỏ dưới 400 m2 đang được quận làm thủ tục bán đấu giá. |