TP.HCM sẽ thu phí cảng biển, mở rộng các đường kết nối

Sở GTVT TP.HCM vừa đưa ra lấy ý kiến, góp ý cho dự thảo đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, sở đề xuất sẽ thu phí cảng biển trên địa bàn TP theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm tháng đầu năm 2021) sẽ tổ chức thu phí tại cảng Cát Lái, thời gian này sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và hoàn thiện công tác thu phí. Giai đoạn 2 sẽ tổ chức thu phí toàn bộ cảng từ tháng 6-2021.

Đường dẫn vào khu vực cảng Tân Cảng - Cát Lái bị kẹt cứng - Ảnh ĐÀO TRANG

Thiếu vốn xây dựng hạ tầng

Theo Sở GTVT TP, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030 đã được UBND TP, Thường vụ Thành ủy thông qua. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành GTVT là 970.654 tỉ đồng (vốn ngân sách là 477.704 tỉ đồng, vốn khác là 492.950 tỉ đồng). Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2021-2026 chỉ đáp ứng 24,6%, trong khi đó các dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa thu hút, việc huy động tài trợ nguồn vốn ODA hạn chế nên việc có thêm nguồn vốn để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cảng biển là vô cùng quan trọng.

Theo dự báo của Bộ GTVT, lượng hàng thông qua các cảng dự kiến vào năm 2020 khoảng 112,67-116,94 triệu tấn/năm, năm 2025 khoảng 133,03-141,48 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 145,47-159,98 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến nay sản lượng hàng hóa qua cảng biển TP.HCM đều đã vượt mức dự báo của Bộ GTVT, sản lượng thực tế của năm 2019 đã vượt sản lượng dự báo của năm 2030.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết TP.HCM là đô thị có cảng biển lớn nhất cả nước, trong đó cảng Cát Lái nằm trong tốp 30 cảng trên thế giới. Với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển như trên đã tạo áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ khu vực cửa khẩu cảng biển. Từ đó gây ra tình trạng ùn tắc hàng hóa, ảnh hưởng đến giao thông khu vực lân cận, giảm hiệu quả hoạt động giao nhận hàng hóa, tăng chi phí logistics, hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh và sự phát triển của TP.

Các tuyến đường kết nối đều quá tải

Theo Sở GTVT, các khu cảng biển của TP hiện trải dài qua các quận 2, 4, 7, 9 và huyện Nhà Bè. Các cảng này được kết nối bởi các tuyến đường trục chính và đường nhánh như Huỳnh Tấn Phát, liên cảng A5, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định…

Ông Trần Quang Lâm nhận định giao thông đường bộ kết nối trực tiếp đến khu vực cảng Cát Lái (Tân Cảng - Cát Lái và Phú Hữu) là đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh; kết nối vào cảng Hiệp Phước là trục đường Nguyễn Hữu Thọ... Các tuyến đường này theo quy hoạch có năng lực thông xe và vận tải lớn, đảm nhận vai trò vận chuyển hàng hóa qua cảng biển và liên kết vùng, kết nối đi các tỉnh lân cận TP. Tuy nhiên, hệ thống giao thông vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ. Điều này dẫn đến vận tốc lưu thông của các loại xe trên một số tuyến đường chính ra vào cảng còn chậm.

Bên cạnh đó, các cảng nằm sâu trong TP như Cát Lái, Tân Thuận, Hiệp Phước, Phước Long… không có đường chuyên dụng, đa số sử dụng chung với đường địa phương nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường ra vào cảng.

Theo đánh giá của Sở GTVT, hiện nay thời gian quay vòng xe tải là hai chuyến/ngày và xe container là 1,5 chuyến/ngày nhưng do hạ tầng khu vực cảng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa có làn đường chuyên dụng, vận tốc khai thác thấp và do tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường xung quanh cảng nên con số quay vòng khá thấp so với chi phí đầu tư xe tải và xe container của doanh nghiệp.

Trước năm 2018, khi chưa xây dựng các dự án ở nút giao Mỹ Thủy (quận 2), khu vực này đã ùn tắc hàng tiếng đồng hồ do lưu lượng xe vượt quá khả năng thông hành. Sau khi hoàn thành một số dự án tại đây, giao thông khu vực đã cải thiện đáng kể, chỉ xảy ra ùn tắc cục bộ khi có sự cố.

Ông Lâm cho biết thêm, toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng này đều được vận chuyển bằng đường bộ (chiếm khoảng 88%), trung bình có khoảng 19.000-20.000 ô tô ra vào khu cảng Cát Lái thông qua các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Đặc biệt, có một số ngày lên đến 26.000 lượt xe ra vào dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông.

Với lượng hàng hóa lớn qua cảng biển như hiện nay, nếu không có chính sách kịp thời để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực thì tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt tại khu vực cảng Cát Lái.

“Do đó, TP cần thiết phải đầu tư xây dựng mới các tuyến đường, mở rộng và nâng cấp, bảo trì các tuyến đường hiện hữu để đảm bảo lưu thông vận chuyển hàng hóa, góp phần tăng sức cạnh tranh cho hệ thống cụm cảng TP.HCM. Nếu có nguồn kinh phí để tiếp tục tập trung đầu tư cho hạ tầng kết nối khu vực cảng sẽ giảm tình trạng ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, tăng vận tốc khai thác của các xe dẫn đến tăng số quay vòng xe tải và xe container của doanh nghiệp” - ông Lâm nói.

Dự kiến thu khoảng 3.201 tỉ đồng/năm

Theo thống kê số liệu, tổng lượng hàng hóa đóng trong container qua khu vực cảng biển TP.HCM năm 2019 khoảng 5.383.936 TEU (không bao gồm vận chuyển nội địa). Trong đó, Tân Cảng - Cát Lái là 5.239.996 TEU (97% khối lượng hàng container của cả TP). Với thống kê trên, hằng năm sẽ thu khoảng 3.201 tỉ đồng.

Đơn vị thu phí gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu; hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa gửi kho ngoại quan mở tờ khai tại hải quan ngoài cửa khẩu tại các tỉnh, TP khác nhưng làm thủ tục chuyển cửa khẩu và thực hiện niêm phong hải quan tại các chi cục Hải quan cửa khẩu thuộc Cục Hải quan TP.HCM.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm