Ông Trần Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, cho rằng dù đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để cố gắng giảm độ mặn của nước sau xử lý xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên, do nước mặn xâm nhập trên toàn tỉnh Bến Tre, độ mặn nước ở các sông cao hơn 7‰, nên thời điểm hiện nay độ mặn nước máy nhiều nơi vẫn cao hơn 5‰, công ty không thể cải thiện được độ mặn theo quy định.
Trong thư xin lỗi, ông Trần Hùng mong khách hàng thông cảm và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp trong bối cảnh hạn mặn gay gắt. “Phía công ty đã xây dựng phương án khấu trừ tiền nước trong thời gian khách hàng bị ảnh hưởng bởi độ mặn vượt tiêu chuẩn quy định trình UBND tỉnh phê duyệt” - ông Trần Hùng nêu.
Nước máy nhiễm mặn, người dân mua từng can nước ngọt.
Khoảng ba tháng nay, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra gay gắt. Mặn xâm nhập sâu vào tất cả tuyến kênh chính, nội đồng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, kể cả các đập tạm trữ nước đều bị nhiễm mặn. Vậy nên các nhà máy xử lý nước của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre đã cấp nước nhiễm mặn 7‰ cho khách hàng.
Tại Nhà máy nước Sơn Đông (TP Bến Tre), An Hiệp, Hữu Định (huyện Châu Thành) có lúc độ mặn cao hơn 10‰.
Tình trạng nước cấp bị nhiễm mặn đã gây ảnh hưởng đến tất cả doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Giao Long và khu công nghiệp An Hiệp, các cụm công nghiệp và hàng ngàn hộ dân, cơ sở sản xuất, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn... trên địa bàn tỉnh. Dù nguồn nước cấp bị nhiễm mặn nhưng mức phí do Công ty Cấp thoát nước Bến Tre thu đối với khách hàng vẫn ở mức khoảng 10.000 đồng/khối.
Do nước máy bị nhiễm mặn, để có nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất nhiều hộ dân là khách hàng của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre phải mua nước ngọt từ các ghe, tàu nơi khác chở về với giá 100.000-300.000 đồng/khối.
Riêng một số doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí để trang bị hệ thống lọc mặn RO... để có nước ngọt phục vụ sản xuất hoặc mua nước ngọt với số lượng lớn từ nơi khác vận chuyển về tốn rất nhiều chi phí.