Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm làm nóng phiên chất vấn Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường, đặc biệt là công tác đấu giá đất.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đang trả lời chất vấn. Ảnh: PHÚ NGUYỆT

Các lô đất ở Thủ Thiêm, TP.HCM trong vụ đấu giá. Ảnh: CTV

Vụ việc gây nhiều hệ lụy

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho biết dư luận cử tri nêu việc đấu giá đất tại nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm để tạo sóng. Có nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá “trên trời” rồi âm thầm bỏ cọc, kết quả trúng đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.

“Điển hình như vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP.HCM), có hiện tượng làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao, tạo ra hiện tượng sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất mới khiến quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án gặp khó, gây mất trật tự, an ninh xã hội” - ĐB Thắng nêu và đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục.

Đáp lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay thời gian qua vấn đề đấu giá đất rất nóng, không chỉ có “thổi giá” mà thực tế còn có “dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” gây nhiều bức xúc. Điều này gây ảnh hưởng “hết sức nghiêm trọng”, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, làm thất thoát tài sản của Nhà nước và tạo ra mặt bằng giá đất mới, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế.

“Nếu nói sâu hơn nữa, việc thổi giá đằng sau còn rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là giá ảo nhưng có thể thế chấp và rút tiền ngân hàng là thực, làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và nhiều vấn đề khác” - ông Hà nói.

Bộ trưởng Hà thông tin vừa qua, Bộ TN&MT và các bộ, ngành khác đã vào cuộc làm rõ. Hiện hoạt động đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi các luật khác nhau: Luật Đấu giá, Luật Đất đai, các quy định liên quan về tài chính. Vì có nhiều luật điều chỉnh nên về quy trình, trình tự, phương thức đấu giá đất còn bất cập. Giá trị tài nguyên như đất đai không giống với các vật thể giá trị khác nên phải có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với đất chặt chẽ hơn.

Ông Hà cho hay hiện Luật Đất đai mới chỉ quy định các điều kiện về doanh nghiệp (DN) tham gia đấu giá nhưng chưa quy định điều kiện cụ thể liên quan đến năng lực, lý lịch pháp lý, kinh nghiệm thực tiễn của DN. “Cần phải có chế tài mạnh hơn nữa với nhà đầu tư bỏ không tham gia, để đủ sức răn đe” - bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.

Về vấn đề “quân xanh, quân đỏ”, Bộ trưởng Hà nói đây là vấn đề có thực, cần phải nghiên cứu để lựa chọn hình thức phù hợp, chọn ra nhà đầu tư có năng lực. Đồng thời phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý cả trường hợp cơ quan công quyền suy thoái móc ngoặc với DN đấu giá đất…

Đặt vấn đề xử lý hình sự

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị làm rõ hơn công tác kiểm tra, xử lý vụ việc đấu giá đất cụ thể tại Thủ Thiêm. “Có hay không chuyện thổi giá để đánh võng tài sản, làm sạch báo cáo tài chính để vay ngân hàng. Nếu như có dấu hiệu lũng đoạn, vay chiếm dụng vốn ngân hàng, âm mưu phá hoại nền kinh tế thì sao không xử lý hình sự được?” - ĐB Hạ chất vấn.

Bộ trưởng Hà cho hay vụ đấu giá đất Thủ Thiêm hiện Chính phủ đã giao cho các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc làm rõ các điểm yếu về pháp luật và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho chặt chẽ. Ví dụ, đơn vị trúng đấu giá phải thanh toán tiền trong 10 ngày thay vì 90 ngày như hiện nay, hay điều chỉnh quy định về mức tiền đặt cọc.

“Về câu hỏi của ĐB có chuyện lợi dụng, đánh võng tài sản để vay ngân hàng hay không thì hiện nay cơ quan điều tra đang vào cuộc. Tôi tin rằng vấn đề này tới đây sẽ được làm rõ” - Bộ trưởng Hà nói.

ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng vụ bỏ cọc ở Thủ Thiêm thì người bỏ cọc mất đi số tiền không đáng gì so với tiền thu lợi từ việc đẩy giá đất xung quanh lên. Vậy có cần hình sự hóa hành vi gây nhiễu loạn thị trường hay không? Đáp lại, Bộ trưởng Hà cho rằng hình sự hóa hay không thì phải có quy định của pháp luật, có thể có hành vi cần xử lý hình sự nhưng phải điều tra.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: “Nếu có sai phạm về dân sự xử về dân sự, sai về hành chính thì xử lý về hành chính, còn nếu có sai phạm về hình sự thì sẽ xử lý hình sự. Do đó, tôi cho rằng các tranh luận của các ĐB Tạ Văn Hạ và Nguyễn Thị Xuân nêu không có mâu thuẫn. Quy định của pháp luật sai phạm ở hình thức nào sẽ xử lý ở mức độ đó”.

Về chế tài áp dụng trong trường hợp có vi phạm pháp luật về đấu giá, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định quy định pháp luật hiện hành đã khá đầy đủ để xử lý. Trong các biện pháp này chế tài dân sự là không mua thì mất cọc, chế tài hành chính được quy định tại Nghị định 82 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

Riêng về chế tài về hình sự, ông Long nói: “Không dám kết luận đúng hay không đúng, có cơ sở hay không có cơ sở về những vụ việc vừa xảy ra. Tuy nhiên, nếu đủ căn cứ, có thể áp dụng Điều 218 (tội vi phạm các quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản) với hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản hay Điều 196 (tội đầu cơ)”.

Theo ông Long, từ thực tế vụ đấu giá đất Thủ Thiêm đã xuất hiện những bất cập cần phải căn chỉnh lại để đồng bộ hóa các quy định về đấu giá, để áp dụng dễ dàng, thuận tiện. Trong đó cần rà soát, sửa đổi vấn đề trình tự, thủ tục đấu giá đảm bảo chặt chẽ hơn; rà soát lại khung liên quan tiền đặt cọc, các khoản thu liên quan đến đấu giá đất…•

Chủ tịch Quốc hội: Rà quy định để có chế tài đủ mạnh

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ TN&MT kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, được giao cho thuê nhưng chậm sử dụng, hành vi làm ô nhiễm đất, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai…

Đồng thời bộ cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và văn bản pháp luật liên quan, trong đó có quy định về đấu giá tài sản đất, không để lợi dụng đấu giá để trục lợi. Ngoài ra, pháp luật cần có quy định chặt chẽ điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, thời điểm nộp tiền trúng đấu giá, xử lý khi đấu giá có dấu hiệu bất thường, có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết.

“Sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan phù hợp pháp luật về đất đai để bảo đảm thống nhất quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, quy định về hợp đồng, đặt cọc khi mua bán chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự và quan hệ hành chính” - ông Huệ nhấn mạnh.

Phải siết quy định để đảm bảo đấu giá đất chặt chẽ

Về đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng phải siết lại để đảm bảo đấu giá chặt chẽ hơn. Cụ thể là phải xác định được năng lực tài chính của nhà đầu tư, nâng tiền cọc khi đấu giá, rút ngắn thời gian nộp tiền sau khi trúng đấu giá…

Về giá khởi điểm, bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cần sửa đổi, nếu không việc xác định giá đất đấu giá vẫn không chính xác. Theo Nghị định 44 và Thông tư 36 của Bộ TN&MT, có năm phương pháp xác định giá đất là: So sánh, thặng dư, chiết khấu, thu nhập và phương pháp số. Nhưng với dự án đầu tư mới chỉ sử dụng ba phương pháp xác định giá là thặng dư, bảng giá đất, so sánh.

Ông Hồ Đức Phớc nói: “Theo Nghị định 45 thì đất giao xong cho nhà đầu tư, Nhà nước mới thu tiền, trong khi ông cha nói “tiền trao, cháo múc”. Nhà đầu tư bán cho người dân lấy tiền nhưng không nộp lại vào ngân sách mà mang đi đầu tư, lỡ rủi ro, thua lỗ thì chúng ta không giải quyết được quyền lợi của hàng trăm, thậm chí hàng vạn hộ dân. Đây là lỗ hổng cần xác định chính xác để bịt lại”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm