Tôi dự tính mua tập thơ để đọc và giãi bày vài điều muốn nói, vài kỷ niệm về nhà thơ Đoàn Vị Thượng thì bất ngờ ngay ngày Giáng sinh lên cơ quan đã có tập thơ đặt trên bàn làm việc.
Nhìn chữ viết của người anh đồng nghiệp, nhà báo, nhà thơ Từ Nguyên Thạch (cũng là anh ruột của nhà thơ Đoàn Vị Thượng) gửi tặng tập thơ Đoàn Vị Thượng – Thơ tôi thật sự xúc động.
Người anh đồng hương khí khái
Tôi đọc liền một mạch gấp tập thơ lại cứ miên man nghĩ ngợi. À, thì mình cũng có duyên gặp anh tuy không nhiều nhưng âu cũng là kỷ niệm khó phai.
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng. Ảnh: LÊ VĂN DUY
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng sinh ra ở Huế nhưng phần lớn tuổi thơ và niên thiếu sống ở Quảng Ngãi. Tôi cũng là người con gốc Huế nên được là người đồng hương với anh.
Nhớ những năm khi tôi có bài đăng báo Xuân trên báo Công an TP.HCM, anh Thượng đã gọi đọc hai câu trong bài viết của tôi: “Xuân về bỏ rượu/ Tết đến uống bia”, anh cười rồi gật gù. “Được lắm Tý”. Tôi cảm ơn anh đã khích lệ mình.
Anh chính là người đã đăng thơ đầu tiên của tôi trên tạp chí Tài Hoa Trẻ.
Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội nhà thơ đồng hương Trương Nam Hương đã gọi tôi: “Em góp một bài để Hội Nhà văn in tập thơ hướng về Hà Nội nhé”.
Bài thơ “Hà Nội trong tâm tưởng” tôi viết liền một mạch, mạnh dạn gửi “đàn anh” Đoàn Vị Thượng khi ấy đương là Phó Trưởng đại diện báo Giáo dục & Thời đại (cơ quan phía nam), chủ biên tạp chí Tài Hoa Trẻ, anh cho đăng ngay bài thơ rồi gọi: “Bài thơ anh đã đăng rồi nhé. Khi nào rỗi qua nhận nhuận bút nhé em!”.
Người anh đồng hương nhẹ nhàng, quan tâm đến em út khiến tôi cảm động. Quyết hôm sau đến nhận báo biếu mua thêm vài tờ và phải mời bằng được anh vài cốc bia.
Tôi ngưỡng mộ và khâm phục anh như cách mà anh nói với bạn bè, những người làm thơ thật sự họ ở ẩn sáng tác còn những người hay la cà trước hội cũng là để người ta chú ý đến mình và để được kết nạp vào hội.
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng trong một cuộc vui với đồng nghiệp. Anh đã truyền lửa cho thế hệ trẻ, nhà báo Hoàng Công Chương (trái) tiếp nối hành trình làm báo, làm thơ. Ảnh: FB Đoàn Vị Thượng & Bạn bè
Anh mô phạm vì từng dạy học nhưng rất khí khái, cho nên được gặp trò chuyện với anh rất hiếm.
Trước tòa soạn báo Giáo dục & Thời đại (cơ quan đại diện phía Nam nằm trên đường Điện Biên Phủ gần bệnh viện Bình Dân) có quán bia.
Sau cuộc họp giao ban anh ra quán, hai anh em làm vài chai bia. Những thắc mắc của tôi về những bài thơ anh từng “gả” hay “bán” hẳn cho một người mê thơ nào đó… được anh tiết lộ. Tuy nhiên anh cũng nói, chuyện qua rồi em nghe xong rồi xem như không có nhé.
Tôi cũng biết vài nhà thơ cũng từng bán thơ, bán văn mình để đánh đổi vì “cơm áo không đùa với khách thơ” như ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã thốt như vậy. Đó là cái thời bao cấp đầy khó khăn và cho dù đối với người nghệ sĩ việc “gả/bán” tác phẩm của mình ấy cũng là “Nghệ thuật vị nhân sinh”…
Rồi sau đó thi thoảng gặp anh thoáng qua trong những buổi trà dư tửu hậu bạn bè thật thân anh mới có mặt. Anh nghỉ hưu từ đó không còn gặp nhau. Rồi nghe tin dữ anh bạo bệnh. Buồn.
Trải nghiệm từ gia đình
Tôi chú ý hai câu thơ ở bìa 4: “Tôi còn hẹn với người ta/ Gặp nhau lạ mặt vẫn là anh em”.
Hai câu thơ này trong bài “Cuộc lữ” như một định mệnh mà anh từng trải nghiệm.
“lạ mặt vẫn là anh em” câu thơ nói hộ rất nhiều người và cũng là câu thơ khiến đồng nghiệp, người yêu thơ đã giúp anh tinh thần chống chọi với bệnh hiểm nghèo và vượt qua bạo bệnh. Nhiều đồng nghiệp cùng xắn tay áo để in tập thơ cho anh vỏn vẹn 63 bài tương ứng tuổi đời 63 của anh.
“lạ mặt vẫn là anh em” trong đó ngoài người anh Từ Nguyên Thạch, nhà thơ Phạm Thanh Chương đã sưu tầm, tập hợp những bài thơ in báo, nhà văn, nhờ thơ của “Thành phố - Tình yêu và nỗi nhớ” Nguyễn Nhật Ánh đã viết lời tựa. Còn nhiều và còn nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người yêu thơ trong và ngoài nước đã yêu mến anh mà ủng hộ mua thơ giúp anh tinh thần trong lúc bệnh.
Tập thơ chưa phát hành nhưng như thông báo trên trang cá nhân của nhà thơ Từ Nguyên Thạch chỉ sáu ngày đã hết. Đó chính là cái tình mà bạn bè, đồng nghiệp, người yêu thơ quý mến anh.
Cuộc lữ được anh viết gần 30 năm (1992), ở cái tuổi ngoài 30 mà anh đã chiêm nghiệm cho hành trình không dừng lại như những câu thơ mà anh đã viết:
Và tôi nghĩ đến ngày mai
Hàng cây kéo miết đường dài sẽ qua
Bụi mù bám cháy bông hoa
Tiếng chim gợi nỗi nhớ nhà mênh mông
Vâng, rằng khi đã lọt lòng
Đứng lên và bước. Mắt không ngó về
Vâng, từ khi phải rời quê
Nón bay ngược gió. Vẫn lê đôi giày
Tôi còn hẹn với trời mây…
Tôi còn hẹn với sông đầy, biển xa…
Tôi còn hẹn với người ta
Gặp nhau lạ mặt vẫn là anh em
Khi vùi mình xuống đất đen
Mộ phần tôi sẽ đắp thêm đường dài…
Những người bạn, đồng nghiệp chung tay góp sức in tập thơ 'Đoàn Vị Thượng -Thơ'. Từ trái sang: Nhà thơ Vũ Trọng Quang, nhà thơ Đoàn Vị Thượng, nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà thơ Phạm Thanh Chương, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và nhà thơ Lâm Xuân Thi. Ảnh: FB Đoàn Vị Thượng & Bạn bè
Như trong Lời tựa “Cây cỏ hồn nhiên”, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết: “Với Cuộc lữ, Đoàn Vị Thượng đã đi một bước dài. Nhà thơ đã đạt tới cảnh giới hồn nhiên như cỏ cây. Bây giờ chắc Thượng không còn băn khoăn làm thế nào để mang nỗi buồn ra khỏi bản thân mình. Bởi khi con người đã đốn ngộ, tâm đã tịnh, không muộn phiền nào có thể quấy nhiễu được nữa”.
Trong Lời bạt, chính tác giả đã viết: “… Tôi đã làm thơ dài dài như một nghiệp dĩ, nhưng hình như vẫn chưa thoát khỏi thân phận… thằng Bờm. Bạn bè văn nghệ hay nói với nhau về tôi: “Hắn là một thằng Bờm trong văn học, trong cuộc sống”. Đã không ít lần được mời đi dự yến tiệc linh đình nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy lạt miệng nếu trong thực đơn không có… món xôi, dù chỉ là một nắm xôi nhỏ. Hoan hô nắm xôi! Hoan hô thằng Bờm!”.
“Thằng Bờm” chính là kỷ niệm mà Ba anh đã đặt cho anh như hai câu thơ: “Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười”…
Anh sống tận hiến, hết mình với bạn bè và đặc biệt với Thơ. Hy vọng tập thơ ra đời sẽ là liều thuốc tinh thần giúp anh vượt qua bệnh tật và có những bài thơ hay để đời...
Như anh đã ký gửi với lời nhắn nhủ trong bài thơ 63- bài thơ cuối cùng 'Tôi là ai':
Như thể rằng, tôi là một nhà thơ
Hay là kẻ si tình, thì cũng thế
Sự có mặt của tôi, có đôi khi không đáng kể
Tôi lẫn chìm giữa cuộc sống quanh em
Em có yêu đời này, xin yêu một cái tên: ĐOÀN VỊ THƯỢNG
Nhà thơ Đoàn Vị Thượng
Sinh năm 1959 tại Huế nhưng phần lớn tuổi thơ và niên thiếu sống ở Quảng Ngãi. Năm 1975 vào Sài Gòn đi học, đi làm. Anh đã từng dạy học rồi làm báo. Thời đi dạy anh viết bài Bụi phấn gây ấn tượng cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và đồng nghiệp. Đoàn Vị Thượng nguyên Phó Trưởng Cơ quan thường trú Báo Giáo dục & Thời đại tại TPHCM. Anh là người giữ mục Tài hoa gỡ rối trên Tạp chí Tài Hoa Trẻ của Báo GD&TĐ nhiều năm. Năm 2019 nghỉ hưu. Tác phẩm đã xuất bản: “Ngôi trường, hoa phượng và tôi” (Thơ 1987), “Thơ Đoàn Vị Thượng” (1988), “Chuyện tình chim hót” (Truyện dài – 1989), “Môi thơ” (Truyện dài – 1990), “Tóc em còn thả mùa đi học” (Truyện dài- 1991)... Nhiều bài thơ anh viết về nhà trường như: Bụi phấn, Ánh mắt trường, Hồn nhiên áo trắng, Lời ru của thầy, Một ngày cô giáo về... được các thầy cô và học sinh rất yêu thích. |
Tập thơ có 4 phần: Ngồi lún hư không; Ơn nghìn lá biếc, Trăng cũ và Một lần bóng núi với hai bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Vào lúc 8h30 ngày 30-12, tại Chi nhánh NXB Hội nhà văn (371/16 Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM) tổ chức chương trình "Đoàn Vị Thượng & Bạn bè" giới thiệu tập thơ Đoàn Vị Thượng - Thơ.
Chúng tôi xin trích một số bài thơ được in trong "Đoàn Vị Thượng - Thơ':
Giọng Huế của Mạ
Ba mươi năm xa quê, Mạ còn nói giọng Huế
Đó là điều bình thường của Mạ phải không?
Có bao điều bình thường trong đời rất đáng kể
Rất đáng nói ra, sao cứ giữ trong lòng
Tuổi con gái, Mạ từng uống nước sông
Đến bây giờ giọng Huế nghe còn ướt
Giọng Huế nghe còn một chút gì trong
Bao cay đắng pha vào chưa đục được
Sông Hương chảy xuôi dòng, Mạ có thời chảy ngược
Vào miền Nam trắc trở đến giờ
Có phải vậy, Mạ chóng già hơn trước
Mà dòng sông thì vẫn cứ trẻ thơ
Dẫu gì sông cũng có đôi bờ
Trong khi Mạ nổi trôi vào Chu Lai, Quảng Ngãi
Mạ trôi tít vào miền Nam xa ngái
Giọng nói có là bờ để giữ Mạ được đâu
Giọng nói cũng trôi qua mấy chân cầu
Va chạm đủ các âm thanh xa lạ
Đã nhiều lần làm lưỡi Mạ đớn đau
Để giữ lại chút gì đừng tan rã
Giọng nói Huế quý như mền, dạ
Từ trên môi những kẻ đồng hương
Một câu chào nghe sao ấm quá
Buổi gặp nhau lưu lạc trên đường
Còn bây giờ tôi chảy với sông Hương
Trôi qua Huế ngọt ngào, thân mật
Có phải tôi trôi từ chỗ nỗi buồn
Trong lòng Mạ mới vừa đổi khúc?
(1984)
Xin lỗi em
Xin lỗi em, vì một lý do nào
Thềm nhà tôi vắng tiếng chân em bước
Thì lúc ấy - Lối đi ngoài cổng trước
Tôi vẫn tin, cỏ chưa vội lấp đầy
Cỏ độ lượng cỏ cần biết rõ
Tôi có gì xúc phạm với em đây.
Xin lỗi em, vì một lý do nào
Em sẽ chẳng dừng chân nơi tôi đang đứng đợi
Thì lúc ấy - Vẫn xôn xao lá mới
Hàng cây kia đang hồi hộp ngóng chờ
Cây thẳng thắn chưa tin điều phản bội
Tôi có gì em đến nỗi làm ngơ.
Xin lỗi em, vì một lý do nào
Em vờ vĩnh than phiền tôi đủ tội
Thì lúc ấy - Tôi vẫn tin - Bóng tối
Chưa nhuộm đen được hết trái tim mình
Muốn thật biết ai mới là gian dối
Xin hãy chờ phán xét của bình minh.
Còn nếu em quả thật muốn xa tôi
Người mới đến rủ em quên người cũ
Xin cứ nói đi, đâu cần gieo tiếng dữ
(Ai chưa yêu chưa cảm thấy mình hiền)
Tôi chỉ mượn câu thơ này nhắn nhủ
- Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
(1986)
Gặp bạn đồng hương ở Sài Gòn
Ta biết bạn chưa quên vị ngọt
Hương mía quê nhà đâu dễ phai
Cái cây mảnh khảnh chia nhiều đốt
Ngắn thế, sao nghe nỗi nhớ dài?
Ấy là Quảng Ngãi giờ xa lắc
Bạn cầm rượu rót ngắm hồi lâu
Bức tranh kỷ niệm treo trên vách
Càng cụng càng thêm nứt chén sầu
Chiến tranh thuở trước còn không sợ
Tản cư rồi có lúc hồi cư
Cơm áo giờ đây thân cầm cố
Quê nhà biền biệt mấy phong thư
Con bống sông Trà gầy bé lắm
Chết còn mở mắt tiếc đường bơi
Bạn mỏi chân đời trong quán vắng
Tấm lòng còn sủi bọt bia hơi
Ta cũng chẳng có gì giúp bạn
Đem thơ Nguyễn Vỹ đọc làm quà
Dẫu hay thế giới đang gần lại
Quảng Ngãi muôn trùng vẫn cách xa.