Cuối ngày 18-12, tiến trình sơ tán dân thường và phe nổi dậy khỏi đông Aleppo đã được khôi phục sau nhiều tiếng đồng hồ bị trì hoãn, Reuters cho biết.
Trước đó, quá trình sơ tán bị gián đoạn sau khi năm xe buýt trống được dùng chở người sơ tán đã bị đốt lúc đang dừng gần tỉnh Idlib.
Xe buýt dùng chở người dân và phe nổi dậy sơ tán bị đốt gần tỉnh Idlib (Syria) ngày 18-12. Ảnh: REUTERS
Truyền thông nhà nước Syria cáo buộc thủ phạm là phe nổi dậy. Tuy nhiên, theo các thủ lĩnh phe nổi dậy thì thủ phạm có thể là những người dân bất mãn với chính phủ.
Việc trì hoãn sơ tán khiến hàng ngàn người phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, phải ngủ trên đường phố trong nhiệt độ mùa đông giá lạnh.
Chính phủ cáo buộc phe nổi dậy là thủ phạm. Ảnh: REUTERS
Thỏa thuận ngừng bắn, cho phe nổi dậy đầu hàng và rút khỏi đông Aleppo bị vi phạm lần đầu vào khuya 14-12, được khôi phục vào sáng 15-12.
Thỏa thuận này lại bị vi phạm lần thứ hai vào cuối ngày 16-12. Lý do theo hãng tin nhà nước Syria SANA là do phát hiện người sơ tán lén đem theo vũ khí và thiết bị liên lạc tiên tiến.
Tuy nhiên, phe nổi dậy đổ lỗi Iran và các nhóm dân quân người Shiite ủng hộ chính phủ Syria là các yếu tố cản trở khiến thỏa thuận bị ngưng lần hai. Thỏa thuận được khôi phục lại vào ngày 18-12.
Cậu bé Syria cùng hành lý sơ tán ngồi trên đống đổ nát trước đó là nhà của mình ở quận Al-Arkoub (Aleppo) ngày 17-12. Ảnh: CNN
Hãng tin Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin, trong ngày 19-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin - bảo trợ chính của chính phủ Syria - và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - bảo trợ chính của phe nổi dậy - đã điện đàm, đồng ý khôi phục và đẩy nhanh tiến trình sơ tán.
Hai lãnh đạo cũng thống nhất đưa hàng cứu trợ vào Aleppo, tìm một giải pháp chính trị chấm dứt nội chiến Syria. Tuy nhiên chưa có kế hoạch chi tiết về điều này.
Dự kiến hôm nay (19-12), Hội đồng Bảo an LHQ sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết triển khai đại diện đến Aleppo giám sát quá trình sơ tán. Hai đại sứ của Nga và Mỹ tại LHQ đã đồng ý sẽ bỏ phiếu thuận. Trước đó, Nga tuyên bố không đồng ý với dự thảo do Pháp soạn thảo, yêu cầu điều chỉnh lại.
(Từ trái qua): Hai đại sứ Pháp và Mỹ tại LHQ Francois Delattre và Samantha Power. Ảnh: REUTERS
Hội đồng Bảo an LHQ đang hứng chỉ trích vì không tìm được giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria đã khiến ít nhất 400.000 người chết.
Thật ra Hội đồng Bảo an cũng đã sáu lần bỏ phiếu ra nghị quyết về Syria nhưng cả sáu lần Nga đều bỏ phiếu chống phong tỏa, Trung Quốc cũng năm lần bỏ phiếu chống.