LTS:Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định: Hiện có nhiều DN hoạt động cầm chừng với khoảng 30% công suất và nguy cơ đóng cửa đang ám ảnh khoảng 10% đến 20% DN.
Sau vụ nợ nần ở Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfisco, Cần Thơ), nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản miền Tây Nam Bộ ngại nói đến khó khăn của mình bởi e “mất điểm” với nông dân bán cá lẫn ngân hàng. Tuy nhiên, tình hình hoạt động cầm chừng là điều có thật.
Công nhân thiếu việc làm
Ngày 27-3, rảo qua một số DN chế biến cá tra xuất khẩu tại TP Long Xuyên (An Giang), khá nhiều công nhân thiếu việc làm ngồi la cà ở các quán nước giải khát. “Tôi làm công nhân cho công ty (xin giấu tên) ở Mỹ Quý. Từ khoảng 11 giờ đã hết cá làm nên tôi được nghỉ sớm. Thời gian gần đây, có lúc tôi chỉ làm được 2-3 ngày/tuần vì thiếu cá làm”, anh Ngô Văn Thắng, nhà ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn kể.
Trước cổng Công ty Xuất nhập khẩu Việt Ngư (phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên), một nhóm người cho biết trước đây từng làm ở một số công ty thủy sản khác. Do công ty hoạt động cầm chừng, việc làm ngày có, ngày không nên họ chuyển sang công ty này làm công nhật.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang, trong ba tháng đầu năm 2012, trên địa bàn tỉnh có khoảng 900 công nhân chế biến thủy sản nghỉ việc và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều DN thủy sản An Giang hiện chỉ hoạt động cầm chừng. Ảnh: VĨNH SƠN
Tại Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Hải và Công ty Minh Châu (tỉnh Cà Mau), có đến 2/3 số công nhân phải tạm thời tìm việc khác. Một bảng lương của công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Đại Dương thể hiện thu nhập của công nhân nơi đây đã tụt xuống dưới mức lương tối thiểu. Cụ thể, tháng 1/2012, thu nhập của công nhân có năng suất cao trong bộ phận IQF chỉ đạt 1,3 triệu đồng. Công nhân có mức năng suất trung bình chỉ được từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/người.
Được ngày nào hay ngày ấy
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Đại Dương, xác nhận đơn vị mình đang trong tình trạng gặp nhiều khó khăn về tài chính do trong một thời gian dài lãi suất ngân hàng quá cao, nguồn nguyên liệu không ổn định. “Chúng tôi đang tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi, khôi phục lại sản xuất. Chúng tôi cần phía các ngân hàng bớt dè dặt trong quan hệ tín dụng với DN” - ông Thành nói.
Một lãnh đạo công ty chế biến cá tra xuất khẩu đóng tại Cụm công nghiệp Mỹ Quý (TP Long Xuyên, An Giang) thú thật: Vì khó khăn mà công ty đành bấm bụng bán đi một vùng nuôi làm nguyên liệu 20 ha. Thay vì trước đây công ty chỉ cần 1,2 tỉ đồng là thu mua được 100 tấn cá tra nguyên liệu, bây giờ phải có 2,4 tỉ đồng mới “rớ” được. “Vật tư cho hoạt động chế biến, xuất khẩu đều tăng nhưng giá xuất thì giậm chân tại chỗ. Thị trường châu Âu lại bị thu hẹp do khủng hoảng. Trong khi đó, vốn vay thì có nhưng lãi suất quá cao, tới 17%/năm, chịu không xuể” - ông nói.
Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Thuận An (An Giang), cho biết năm 2011 các ngân hàng thương mại tài trợ cho nhiều DN. Tuy nhiên, từ sau tết ngân hàng thu hồi vốn hết nhưng DN đang còn rất nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn. Công ty của bà Trinh đành lấy vốn lưu động ra xoay trở để giữ uy tín với khách hàng. “Vốn vay định mức thấp và lãi suất quá cao khiến chúng tôi không có tiền đầu tư cho vùng nuôi. Mua cá bên ngoài của nông dân lại hết sức khó khăn do họ chỉ bán lấy tiền mặt. Bây giờ nhà máy hoạt động cầm chừng. Xoay được tiền ngày nào thì hoạt động ngày đó, còn không thì cho công nhân nghỉ. Tình hình chung sắp tới, nếu không có chính sách tháo gỡ về tín dụng thì rất rối, bởi nhà xưởng thì các DN đã đầu tư rồi. Nội tiền lời từ kinh doanh lấy trả lãi ngân hàng thôi còn chưa nổi, nói gì đến lương bổng công nhân hay vô vàn chi phí khác. DN tôi nhờ có mặt hàng phụ phẩm mới cầm cự được đến giờ” - bà Trinh bộc bạch.
Nhiều công nhân chính thức bỏ việc để làm công nhật, chờ công ty trả lương từng ngày. Ảnh: VĨNH SƠN
Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP NTACO, cũng e dè đề cập: “Công ty có vùng nuôi 30 ha nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến, do nông dân nghỉ nuôi cá nhiều. Lúc cao điểm, công suất chế biến của công ty là 80 tấn/ngày nhưng hiện nay chỉ còn 50 tấn/ngày...”.
Sống dở, chết dở
Theo thống kê của Sở Công Thương TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có 33 DN sản xuất, chế biến và kinh doanh thủy sản, trong ba tháng đầu năm 2012, chế biến thủy sản trên 38.000 tấn. Tính ra trong ba tháng đầu năm trung bình mỗi DN chế biến và xuất khẩu chỉ hơn 1.000 tấn thủy sản. Ngoài Công ty Bình An hiện phải tạm ngưng hoạt động đối với nhà máy phi-lê, nhà máy chế biến phụ phẩm, nhà máy nước uống Collagen, những DN tầm cỡ khác ở KCN Trà Nóc với quy mô hàng ngàn công nhân thời “đỉnh cao” như TM, KN… cũng đã tạm ngưng hoạt động, chờ ngân hàng phát mãi tài sản thế chấp. Ba công ty của ông chủ LTH ở KCN Trà Nóc thì lâm vào nợ nần ngân hàng hàng trăm tỉ đồng, hoạt động cầm chừng vì thiếu vốn để mua cá nguyên liệu.
Tại tỉnh Cà Mau, đến giữa tháng 3-2012, khá nhiều DN cũng rơi vào tình trạng tạm đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng. Đó là Xí nghiệp kinh doanh và chế biến thủy sản xuất khẩu Ngọc Sinh (huyện U Minh) và một số công ty ở Khu công nghiệp Hòa Trung (huyện Cái Nước): Công ty Cổ phần Thực phẩm Đại Dương; Công ty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu Việt Hải; Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Minh Châu; Công ty Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Đại Dương Xanh Toàn Cầu…
Ông Châu Thành Tôn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trong các tháng đầu năm 2012, Liên đoàn chúng tôi phải liên tục cử cán bộ đến các công ty thủy sản để tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của công nhân về lao động, tiền lương. Theo trình bày của một số đơn vị, nguyên nhân sản xuất sa sút là do DN cạn vốn lưu động, nguồn nguyên liệu thiếu hụt…”.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện có khoảng 100 cơ sở chế biến đông lạnh cá tra ở ĐBSCL với công suất chế biến đạt gần 1 triệu tấn sản phẩm/năm phân bố trong tất cả các tỉnh của khu vực. Tuy nhiên, sự “bùng nổ” thiếu kiểm soát các nhà máy chế biến cá tra đã gây nên mất cân đối cung cầu nguyên liệu. Tình trạng thiếu nguyên liệu thường xuyên xảy ra, bình quân nhà máy chỉ hoạt động 60% công suất. Chính quyền sẽ hỗ trợ tối đa cho DN ổn định sản xuất bằng cách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp đối với đầu ra sản phẩm, tìm cơ chế tín dụng ưu đãi xuất khẩu. Thành phố sẽ làm việc với NHNN, đề nghị NHNN có chỉ đạo đối với hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần hỗ trợ, tạo điều kiện DN xuất khẩu thủy sản tiếp cận vốn ưu đãi về lãi suất. Ông VÕ THÀNH THỐNG, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Tỉnh đã có nhiều công văn gửi ngành ngân hàng và Chính phủ, đề xuất tăng định mức cho vay đối với DN thủy sản nhưng chưa được giải quyết. Tới đây, UBND tỉnh tiếp tục làm việc với các ngân hàng tại tỉnh để bàn giải pháp tháo gỡ. Nội chuyện giá thành sản xuất cá tra tăng 16%-30% thôi cũng đã gây áp lực lớn cho các DN. Bà PHAN THỊ YẾN NHI, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang |
NHÓM PHÓNG VIÊN
Kỳ tới: Nông dân cương quyết không bán chịu!