Ngành thủy sản miền Tây “thoi thóp” - Bài 3: Chết vì quá tham!

“Có rất nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) thủy sản tại thời điểm này. Dòng vốn không lo thiếu nhưng vốn chỉ “chảy vào” những DN làm ăn uy tín, biết quản lý, có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, đầu tư hợp lý” - ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT (ảnh), phân tích.

Gặp khó đừng đổ lỗi thiếu vốn

. Thưa ông, hơn 50% DN thủy sản đang đứng trước khó khăn, hoạt động cầm chừng, trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu vốn, thiếu nguyên liệu. Bộ NN&PTNT có nắm được vấn đề này?

Ngành thủy sản miền Tây “thoi thóp” - Bài 3: Chết vì quá tham! ảnh 1

+ Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần: Phần lớn những DN khủng hoảng đều có nguồn lực tài chính rất yếu so với yêu cầu. Các yếu tố khác như năng lực marketing, trình độ khoa học, công nghệ lạc hậu, tay nghề công nhân thấp… kéo theo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng thấp theo. Thiếu vốn nên họ không mua được nguyên liệu, nợ tiền nông dân và ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu của DN thủy sản vốn đang không được thuận lợi mà luôn bị kiểm tra nghiêm ngặt, chịu áp lực cạnh tranh từ thuế chống bán phá giá…

Tuy nhiên, vốn vẫn không phải là nguyên nhân chính khiến DN gặp khó. Nhiều DN thủy sản nói thiếu vốn theo kiểu “a dua” phong trào để giấu đi sự thật là họ kinh doanh thất bại, đổ nợ do cách điều hành, do thiếu quản lý rủi ro và chiến lược phát triển yếu kém.

. Không chỉ DN thủy sản mà chính nông dân cũng than khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi vì thủ tục rất nhiêu khê, mất thời gian…

+ Nhà nước đã ban hành những chính sách cụ thể hỗ trợ DN thủy sản và nông dân tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, ví dụ như Quyết định 65 năm 2011 về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Bộ cũng đã phổ biến thông tư hướng dẫn đến từng địa phương nhưng nhiều DN lại “kêu” chưa bao giờ tiếp cận được sự hỗ trợ này. Có lẽ chính sách đã có nhưng muốn đến tay DN và người dân cũng cần sự chung sức của các bộ, ngành, địa phương. Vả lại, chính sách ban hành nhằm áp dụng chung cho toàn ngành thủy sản chứ không thể hỗ trợ cụ thể cho thiểu số. Những chính sách nào còn nhiều bất cập, hiệu quả áp dụng chưa cao, thủ tục rườm rà thì sau khi nhận được phản ánh, Bộ sẽ điều chỉnh để hợp lý, hoàn thiện hơn.

Ngành thủy sản miền Tây “thoi thóp” - Bài 3: Chết vì quá tham! ảnh 2

Doanh nghiệp thủy sản làm ăn bài bản vẫn phát triển bền vững trong tình hình kinh tế hiện nay. Ảnh: CTV

Nên đầu tư tập trung

. Vấn đề các DN quan tâm hiện nay là ngân hàng cho vay lãi suất quá cao, liệu có thể hạ lãi suất?

+ Gần đây, ngân hàng đã điều chỉnh hạ lãi suất cho vay từ mức rất cao trên 20% xuống còn 15%-16%. Nhiều ngân hàng cũng đã mở nguồn vốn riêng hàng ngàn tỉ đồng cho DN thủy sản và các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp. Các ngân hàng đều bảo không hề thiếu tiền cho DN thủy sản vay, còn muốn lãi suất thấp hơn nữa thì phải tùy thuộc vào cách điều hành của Nhà nước. Chúng ta nên biết rằng với mức lãi suất hiện nay, DN sẽ kinh doanh rất vất vả nhưng nếu hạ nữa thì nguy cơ đổ vỡ cả nền kinh tế là rất lớn!

. Vậy ở thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này, DN cần làm gì?

+ Câu hỏi đặt ra cho DN thủy sản đang gặp khó là: “Tại sao DN mình điêu đứng, lao đao còn DN thủy sản khác vẫn kinh doanh ổn định thậm chí muốn phát triển thêm vùng tôm nguyên liệu?”. Tôi nhắc lại, vốn chỉ là một trong nhiều nguyên nhân, quan trọng nhất vẫn là cách điều hành, quản lý DN. Hiện nay DN nên xem xét tình hình kinh doanh trước khi vay vốn, xác định vay ở mức độ hợp lý, tùy theo khả năng, mức thiếu, quy mô của DN mình. Thậm chí DN nên hạn chế vay, thay vào đó là tập trung quản lý rủi ro trong kinh doanh, xác định sản phẩm chiến lược, tìm kiếm thị trường sao cho có lợi nhuận. Nếu lĩnh vực nào làm ăn thất bát thì “cắt bỏ” để giảm gánh nặng, ôm đồm nhiều lĩnh vực chỉ làm cho DN “chết” nhanh hơn. Một số DN thủy sản đổ nợ, phá sản vì nguồn vốn đầu tư lung tung, làm cả bất động sản, du lịch… Tham thì thâm!

Liên kết với nông dân

. Hiện nay, nhiều nông dân không bán cá cho DN trong tỉnh mà chở sang tỉnh khác bán để lấy tiền mặt. Việc này làm DN thiếu nguyên liệu trầm trọng. Ông nghĩ sao về tình trạng này?

+ Tiền mặt chưa chắc là nguyên nhân khiến nông dân không bán cá. Việc này cho thấy DN mất uy tín với nông dân. Chủ DN cần xem lại tại sao nông dân không bán cá cho mình. Ở đây chỉ có hai lý do: DN đã ép giá hoặc mua bán không sòng phẳng. Nông dân không ai lại không muốn bán thủy sản đã đến kỳ thu hoạch, nơi nào thu mua uy tín, giá hợp lý, có lợi nhuận và thanh toán rõ ràng thì họ bán. DN làm ăn đàng hoàng thì không có chuyện nông dân “cạch mặt” với họ.

. Theo ông, DN thủy sản và người nông dân cần làm gì để lấy lại “hòa bình”?

+ Điều quan trọng là sự liên kết giữa DN thủy sản và nông dân. DN và nông dân hỗ trợ lẫn nhau, chặt chẽ theo chuỗi cung ứng từ sản xuất đến xuất khẩu thì sự liên kết mới bền vững.

Thời gian tới, Bộ sẽ trợ giúp tài chính thông qua khuyến khích thành lập các quỹ tín dụng bảo lãnh DN, kiến nghị ngân hàng giãn nợ cho các DN đang lâm vào khó khăn như DN ngành thủy sản. DN nào làm ăn kém hiệu quả thật sự thì cho phá sản luôn.

. Xin cảm ơn ông.

Ngân hàng “sợ” DN thủy sản

Tại một diễn đàn DN nông nghiệp vừa mới tổ chức, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định bơm tiền ra chỉ là việc kỹ thuật, ngân hàng hoàn toàn không thiếu vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng phải hạn chế cho DN vay bởi đang có quá nhiều DN “ma”, một DN mẹ lập hàng chục DN con để thế chấp ngân hàng nhiều hơn. Đặc biệt, các DN thủy sản đang nợ ngân hàng quá nhiều, sinh ra “mất điểm” và hệ thống ngân hàng phải thận trọng dè chừng.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm