Ngày 30-6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM tổ chức hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố".
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp than thở hiện nay lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, hoặc tình trạng ngân hàng “dụ” mua bảo hiểm mới được vay vốn vẫn diễn ra khá phổ biến.
Lãi suất vẫn cao ngất ngưởng
Đại diện một công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực logistics cho biết: "Chúng tôi đã tiếp cận được qua hai hình thức vay vốn, đó là vay thấu chi với mức lãi suất khoảng gần 20%/năm. Mức lãi suất này quá cao khiến công ty không đủ khả năng chi trả.
Để giảm áp lực gánh nặng lãi vay, chúng tôi tìm hiểu gói vay ưu đãi lãi suất thấp nhưng lại không đủ điều kiện về mô hình kinh doanh cũng như thiếu tài sản đảm bảo.
Đặc biệt, khi hỏi đến gói vay lãi suất 2%/năm từ ngân sách nhà nước thì nhân viên ngân hàng lại nói không rõ. Vậy chúng tôi phải làm sao để được tiếp cận về vốn lưu động?"
Quang cảnh Hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố" |
Trao đổi về thắc mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM nói: “Thứ nhất, về nội dung doanh nghiệp trình bày là vay thấu chi với lãi suất khoảng gần 20%/năm, cần phải làm rõ hơn.
Hình thức cho vay thấu chi thường áp dụng qua thẻ tín dụng, là loại hình cho vay tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của cá nhân, không phải là hoạt động cho vay để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, công ty không thể sử dụng hình thức này vì không đúng mục đích sử dụng vốn và sẽ bị ngân hàng thương mại thu hồi vốn khi phát hiện.
Thứ hai, về việc tiếp cận gói lãi suất thấp, gói ưu đãi lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN đã được chúng tôi triển khai thông tin từ đầu hội nghị.
Đồng thời, chi tiết các nội dung chúng tôi cũng đã tổng hợp thành tài liệu dưới dạng mã QR. Các đại biểu tham dự có thể quét QRCODE để tải về xem chi tiết về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng hiện nay."
Nên cấm ngân hàng bán bảo hiểm nhân thọ?
Không thắc mắc về lãi suất, ông Hồng Minh Luân - Giám đốc công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Hồng Phạm lại vô cùng bức xúc về tình trạng "ép" mua bảo hiểm khi vay vốn mới được giải ngân.
Chia sẻ câu chuyện của mình, ông Luân chia sẻ thời điểm cuối năm ngoái, doanh nghiệp không được giải ngân do đã cạn room tín dụng. Khi doanh nghiệp cần tiền mà không được giải ngân thì vô cùng khó khăn.
Đến khi NHNN mở room tín dụng thì lãi suất lại đột ngột tăng cao lên trên 10%/năm. Với mức lãi suất như vậy thì doanh nghiệp kinh doanh chỉ đủ trả lãi nhà băng.
Đến khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, ngân hàng lại nói doanh nghiệp phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân. Dù NHNN đã cấm các ngân hàng thương mại ép doanh nghiệp mua bảo hiểm, nhưng ngân hàng vẫn “lách” bằng cách đưa ra lựa chọn “nếu mua bảo hiểm thì được hưởng lãi suất thấp, không mua thì phải chịu lãi suất cao”.
"Ngân hàng không bắt buộc mua bảo hiểm nhưng lại đưa doanh nghiệp vào thế phải mua. Vậy NHNN có nên cấm các ngân hàng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ không? Do hồ sơ tín dụng, hồ sơ vay vốn đã gửi vào ngân hàng, tài sản thế chấp cũng đã ở ngân hàng, rất khó để chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác" - doanh nghiệp này đặt vấn đề.
Dù vô cùng bức xúc nhưng doanh nghiệp này lại ngại nêu tên ngân hàng ép mua bảo hiểm vì… nhạy cảm.
Trả lời doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định: "Việc tổ chức tín dụng liên kết với công ty bảo hiểm rồi đưa ra điều kiện như trên là việc làm không đúng.
Quan điểm của NHNN là sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng mà có cách làm việc như vậy. NHNN cũng đang giám sát chặt chẽ vấn đề này. Do đó, chúng tôi rất mong các doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng mà gặp tình trạng trên thì cứ phản ánh trực tiếp đến NHNN nhưng phải nêu rõ tên ngân hàng, cán bộ tư vấn thì chúng tôi mới xử lý được."
Để siết việc "ép" khách hàng mua bảo hiểm, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết: "Hiện Cục đang trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022 cũng như các văn bản hướng dẫn luật liên quan.
Việc xử phạt bao gồm các hình thức phạt bằng tiền và các hình thức phạt bổ sung. Thậm chí, hình phạt bổ sung có thể sẽ là cấm hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn với nghiệp vụ nếu vi phạm nghiêm trọng.”