Ngân hàng sẽ 'trả giá' nếu cứ ép người vay tiền mua bảo hiểm

(PLO)- Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều công văn nghiêm cấm các tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm nhưng tình trạng này vẫn tràn lan.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN) đã có văn bản số 6535/2022 của cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động của các TCTD.

Trong đó, NHNN yêu cầu các TCTD nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Theo đó phải cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm...

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên NHNN có văn bản yêu cầu chấn chỉnh tình trạng “ép” mua bảo hiểm của các ngân hàng, nhưng tình trạng này vẫn tràn lan.

Luật sư Trương Thanh Đức:

Đừng lợi dụng khó khăn về vốn của khách hàng để ép mua bảo hiểm

Theo quy định về giao dịch dân sự, hợp đồng sẽ bị vô hiệu do lừa dối, đe doạ, cưỡng ép, nhầm lẫn. Soi chiếu quy định này vào các hợp đồng vay ngân hàng có yêu cầu “bia kèm lạc” thì thấy phải có sự ép buộc thì khách hàng mới phải mua bảo hiểm (loại trừ những người thực sự muốn mua bảo hiểm). Thực trạng này diễn ra ở nhiều ngân hàng, song lại rất khó để chứng minh.

Rất nhiều người buộc vẫn phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ mới được ngân hàng giải ngân

Rất nhiều người buộc vẫn phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ mới được ngân hàng giải ngân

“Bút sa gà chết”, tiền được giải ngân rồi, mọi việc liên quan đến hợp đồng giao dịch đều đã được giải quyết, thậm chí nhờ những khoản giải ngân kịp thời của ngân hàng mà những khoản vay đầu tư của khách hàng đã sinh lời rồi.

Đợi cho xong việc, khách hàng mới quay ra kiện ngược ngân hàng là điều rất khó để chứng minh thiệt hại. Thậm chí kéo nhau ra toà dân sự cũng không giải quyết được. Chỉ có công an vào cuộc, thông qua nhiều hồ sơ, bằng chứng mới biết được ai đúng, ai sai, sai ở mức độ nào…

Để xảy ra thực trạng này rõ ràng là lỗi của những ngân hàng đang hành xử theo kiểu vì lợi nhuận mà sẵn sàng trái với lương tâm, đạo lý. Đầu tiên là ngân hàng phải tỉnh táo lại đi, cần xác định lại cách làm ăn tử tế, bởi nếu thực trạng này kéo dài càng lâu thì khiến người dân có cái nhìn mất thiện cảm về sản phẩm bảo hiểm, về cách hành xử của ngân hàng.

Trong khi đây lại là ngành kinh doanh dựa trên uy tín và niềm tin. Một khi niềm tin của khách hàng bị lung lay thì chính các ngân hàng sẽ chịu thiệt hại, sẽ phải trả giá.

Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm cũng phải xem lại cách bán hàng như vậy có đúng không, có hợp lý không, quyền lợi của khách hàng có bảo đảm không…

Ngân hàng “lợi dụng” khó khăn của khách hàng là đang cần vốn để ép họ mua bảo hiểm. Còn người vay cũng biết mình bị ép, nhưng vì để đạt được cái lợi trước mắt nên vẫn chấp nhận mua. Nếu khách hàng không đóng tiếp thì sản phẩm bảo hiểm đó coi như mất giá trị, nhưng nếu khách hàng tiếp tục đóng thì họ vẫn được hưởng các quyền lợi bảo hiểm khi gặp rủi ro. Tức là họ bị ép mua một mặt hàng, nhưng đây không phải hàng giả, hàng vứt đi.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, bản thân người mua cũng có cái sai trong mối quan hệ này, có thể là cái sai của người mua và ngân hàng có thể tương ứng với tỉ lệ 30-70, thậm chí là 50-50. Tức là người mua có phần nào đó bị ép buộc, song không thể đổ lỗi 100% cho ngân hàng.

Ngoại trừ trường hợp người dân gửi tiền mà ngân hàng lại chuyển đổi sang sản phẩm đầu tư bảo hiểm, thì đây hoàn toàn là cái sai của ngân hàng và phải có trách nhiệm trong việc này.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB:

Chỉ chăm chăm bán bảo hiểm bằng được sẽ mất khách hàng

Để xảy ra tình trạng “bia kèm lạc” là điều đáng tiếc. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên chủ yếu là vì nhiều nhân viên ngân hàng “ẩu”, chỉ vì chạy theo chỉ tiêu, muốn đạt được kết quả kinh doanh mà không chịu khó học hỏi kỹ năng để phân tích lợi ích của sản phẩm để thuyết phục khách hàng thay vì “chiêu dụ” dựa vào lợi thế của bên cho vay.

Ở đây cần phải nói đến đạo đức của người bán hàng. Ví dụ, có nhân viên ngân hàng giới thiệu sản phẩm bảo hiểm mà giống như sản phẩm tiền gửi là sai rồi, đó là người không có đạo đức nghề nghiệp. Người có đạo đức là phải phân tích cho khách hàng để họ thấy cả mặt lợi ích lẫn rủi ro của sản phẩm bảo hiểm. Phải nhắm đúng đối tượng, để khách hàng gắn bó lâu dài với ngân hàng.

Nếu như chỉ chăm chăm bán hàng bằng được, bán bằng mọi cách thì chắc chắn là không giữ được khách hàng. Trong khi đó trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thì cần nhất là khách hàng và mọi thu nhập ngân hàng có được đều đến từ “thượng đế”.

Hãy tận dụng quyền năng của "thượng đế"

Các chuyên gia cho rằng, một số ngân hàng hiện nay đang kinh doanh mà bỏ qua yếu tố văn hoá, bỏ qua tính cộng đồng và chỉ chạy theo cái lợi ích trước mắt. Chọn cách làm như vậy, ngân hàng đang tự tay phá đi uy tín, thương hiệu, làm xấu hình ảnh của chính mình.

Trong khi đó, xây dựng uy tín của ngân hàng lại tốn rất nhiều thời gian, dày công lắm mới đạt được. Văn hoá doanh nghiệp, văn hoá kinh doanh là yếu tố sống còn để một ngân hàng tồn tại và phát triển.

Về phía người vay hãy thể hiện là quyền uy của “thượng đế”. Hãy kêu gọi người vay đồng loạt tẩy chay những ngân hàng nào ép người vay mua bảo hiểm!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm