Cấm đe dọa, ép buộc, dụ dỗ, lôi kéo mua bảo hiểm

(PLO)- Đây là một trong những nội dung được tiếp thu, chỉnh lý và đề nghị trong dự luật Kinh doanh bảo hiểm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 27-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận về tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Trước khi thảo luận, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật.

Hạn chế đánh tráo “gửi tiết kiệm” và “tham gia bảo hiểm”

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH, so với dự thảo Luật Chính phủ trình QH tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH đã được tiến hành. Chẳng hạn các nội dung về hợp đồng bảo hiểm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, về hoạt động môi giới bảo hiểm…

Để hạn chế tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay hay đánh tráo khái niệm “Gửi tiết kiệm” và “Tham gia Bảo hiểm”, dự thảo Luật đã có quy định cấm "Đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm", quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đoàn TP.HCM đề nghị bổ sung quy định cấm “lôi kéo, dụ dỗ” người mua bảo hiểm.

Báo cáo giải trình của ông Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ các văn bản hướng dẫn như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bổ sung các chế tài trong trường hợp đại lý vi phạm các quy định tại Luật. Việc này nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm.

ĐB Phan Văn Hòa đồng ý để Bộ Tài chính quản lý chứng chỉ bảo hiểm.

ĐB Phan Văn Hòa đồng ý để Bộ Tài chính quản lý chứng chỉ bảo hiểm.

Các ĐB cơ bản nhất trí và đánh giá dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý công phu, chi tiết đã đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam.

Dự thảo luật cũng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi và tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

ĐB Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp bày tỏ đồng tình với quy định giao Bộ Tài chính tổ chức thi, cấp, công nhận các chứng chỉ bảo hiểm. Bởi kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để bảo đảm chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực, cần thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm tương tự như quy định đối với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán.

Bổ sung bảo hiểm môi trường là bắt buộc

ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga, đoàn Quảng Bình đề nghị bổ sung bảo hiểm môi trường là loại hình bảo hiểm bắt buộc để bồi thường thiệt hại nếu có sự cố môi trường xảy ra. ĐB Nga cũng đề nghị bổ sung nhiều loại bảo hiểm bắt buộc tại các luật chuyên ngành mà hiện chưa được quy định cụ thể.

ĐB Lã Thanh Tân, đoàn Hải Phòng đề nghị bổ sung quy định chi tiết về chính sách khuyến khích các cá nhân tham gia bảo hiểm, chính sách khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế; rà soát quy định về môi giới, đại lý bảo hiểm; quy định doanh nghiệp bảo hiểm cho tương đồng với quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Ngược lại, ĐB Lê Minh Nam - đoàn Hậu Giang cho rằng không nên quy định chi tiết về nội dung khuyến khích bảo hiểm, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế trong dự thảo Luật, mà thay vào đó nên để Chính phủ quy định chi tiết.

ĐB Thái Quỳnh Mai Dung, đoàn Vĩnh Phúc đề nghị quy định rõ, chặt chẽ hơn về nhân sự chủ chốt trong các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm. Những chức danh có thể quy định ngay được thì nên có quy định tiêu chuẩn cụ thể ngay trong luật.

Nhiều ĐB lưu ý việc tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm vừa phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, nhất là khi người mua bảo hiểm và người thụ hưởng là hai chủ thể khác nhau...

Nhiều ĐB cũng nêu ý kiến về Quỹ bảo hiểm cho người được bảo hiểm và đề nghị làm rõ phương án sử dụng số dư của Quỹ, nếu có.

Đề nghị QH cho duy trì Quỹ bảo hiểm cho người được bảo hiểm

Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay Quỹ bảo hiểm cho người được bảo hiểm là phần thu được tính vào chi phí bảo hiểm.

Mức thu trước đây là 0,3% doanh thu phí bảo hiểm, nay Chính phủ đề xuất mức thấp hơn là 0,05%.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị QH tiếp tục cho duy trì Quỹ bảo hiểm người tham gia bảo hiểm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị QH tiếp tục cho duy trì Quỹ bảo hiểm người tham gia bảo hiểm.

“Mặc dù chúng ta đã tính đến ba lớp bảo vệ nhưng không khẳng định khi doanh nghiệp có ba lớp thì không đổ vỡ. Nếu có đổ vỡ thì dùng quỹ này chi trả cho người tham gia bảo hiểm” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích và đề nghị QH cho phép tiếp tục duy trì quỹ này.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo đã nhận được 310 ý kiến của các ĐBQH, nhà khoa học, các cơ quan liên quan. Bộ đã phối hợp sát sao với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện dự án Luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm