Đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc luật ra kèm theo quỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-3, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách thảo luận về hai dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và có nên quy định một số loại quỹ được thành lập theo hai luật này.

Một luật “đèo” hai quỹ: Nên chăng?

Với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng luật hiện hành cũng như dự thảo Luật sửa đổi quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập hai loại quỹ này đều hướng đến việc đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Theo ĐB Sang, việc duy trì cả hai loại quỹ này là không cần thiết và tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỉ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng góp theo hợp đồng bảo hiểm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâmẢnh: Quochoi.vn

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng nếu Bộ Tài chính đề nghị giữ lại quỹ này thì cần phải báo cáo, giải trình rõ hơn về những nội dung liên quan đến hoạt động quỹ và những tác động ảnh hưởng khi chuyển sang hướng kiểm soát rủi ro trước, việc xử lý dư quỹ thế nào?...

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm đều cùng một mục tiêu là bảo vệ người được bảo hiểm nhưng hình thành khác nhau. Quỹ dự trữ bắt buộc được trích từ 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm và do cơ quan bảo hiểm quản lý.

Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện nay quy định trích 0,3% và nộp vào tài khoản do Bộ Tài chính quản lý. “Từ khi hình thành đến giờ là hơn 1.000 tỉ, chúng tôi muốn bảo tồn quỹ này, muốn giữ quỹ này để can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm” - ông Phớc cho biết.

Theo bộ trưởng Bộ Tài chính, ngân hàng cho vay có tài sản thế chấp, tuy nhiên, nhiều ngân hàng bị lỗ nên phải có sự can thiệp kịp thời. “Doanh nghiệp mặc dù có quỹ dự trữ bắt buộc nhưng cũng có khả năng bất khả kháng, xảy ra vấn đề khó khăn thì dùng quỹ này để can thiệp. Giống như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chúng ta xin ý kiến Thường vụ QH chi đợt vừa rồi” - ông Phớc nói thêm và “xin phép việc này tùy QH”.

ĐB Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến

Băn khoăn khi quỹ chưa phù hợp với Luật Ngân sách

Liên quan đến việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị không quy định quỹ này tại dự thảo. Một trong những lý do là Luật Điện ảnh 2006 đã quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được bởi chưa xác định được nguồn thu ổn định đảm bảo hoạt động của quỹ…

Nêu ý kiến tại hội nghị, ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị không quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, với tư cách là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tuy nhiên, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các quỹ tư nhân về phát triển điện ảnh.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng Luật Điện ảnh 2006 đã quy định về quỹ này nhưng qua 16 năm thi hành luật, quỹ vẫn chưa được thành lập do chưa xác định được nguồn thu cho quỹ.

“Đến dự thảo luật sửa đổi lần này, nút thắt đó vẫn chưa được tháo gỡ. Nhất là các quy định về quỹ vẫn rất chung chung và mơ hồ như trong dự thảo để rồi chúng ta lại tiếp tục không thực hiện được” - bà Nga nói.

ĐB Điểu Huỳnh Sang cũng bày tỏ sự “rất băn khoăn” khi các quy định tại dự thảo về quỹ chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và một số nhiệm vụ chi của quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi từ ngân sách.

“Trước đây, mỗi khi thông qua dự án luật, chúng ta cứ kèm theo một loại quỹ. Có một số quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước rất cần thiết, đáp ứng và giải quyết tốt những vấn đề trong thực tiễn, tuy nhiên cũng có nhiều quỹ không thiết thực và hoạt động không hiệu quả, cần phải bãi bỏ” - ĐB Sang nói.

Lo lắng về ăn cắp, sao chép kịch bản phim

Sáng 29-3, trong phần thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài làm phim tại Việt Nam.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng dự thảo luật quy định các tổ chức nước ngoài khi sản xuất phim tại Việt Nam phải cung cấp kịch bản phim đầy đủ… là quá chặt. Nếu như thế sẽ dẫn đến việc nhà làm phim từ nước ngoài không còn mặn mà.

“Kịch bản phim đầy đủ sẽ liên quan đến bản quyền, ý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Trong sản xuất tác phẩm nghệ thuật nhiều khi phải giữ bí mật, tránh bị copy. Một bộ phim được coi là tác phẩm hoàn chỉnh chỉ khi bộ phim đó ra mắt khán giả. Sẽ ra sao nếu như phim chưa ra mắt khán giả mà ý tưởng kịch bản đã bị đánh cắp hay bị sao chép?

Hơn nữa, làm phim là quá trình sáng tạo nghệ thuật, kịch bản chi tiết có sẵn chỉ là khung ban đầu, trong quá trình làm phim, đạo diễn có thể thay đổi, thêm bớt (kịch bản) nên việc thẩm định kịch bản chi tiết không có nhiều ý nghĩa” - bà Nga nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm