Quốc hội khóa XV - kỳ họp thứ 3

Chậm giải ngân vốn đầu tư công - giải pháp nào cho câu chuyện cũ?

(PLO)- Tiền có mà không tiêu được, nỗi lo lạm phát, những khó khăn doanh nghiệp đang đối mặt được các đại biểu Quốc hội bàn tới nhiều khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội từ cuối năm 2021 sang đầu năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước, tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu. Bức tranh đất nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 cùng nhiều vấn đề đã được các đại biểu “khắc họa”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: HOÀNG HẢI

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG HẢI

Nếu dịch kéo dài, lương cán bộ chưa chắc đã đủ trả

Nhiều đại biểu ở đoàn Cần Thơ, nơi Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử đại biểu Quốc hội, đã nêu nhận xét tích cực cho năm 2021, nhất là việc xoay chuyển phương châm chống dịch từ “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”.

Nhưng để đi đến bước chuyển ấy, trước đó, Chính phủ đã quyết liệt ngoại giao vaccine, đủ nguồn và tổ chức thành công các chiến dịch tiêm phòng đợt 1, 2, 3, đưa Việt Nam thành quốc gia có độ phủ vaccine rộng sâu ở nhóm dẫn đầu thế giới.

Thành công ấy, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nói gắn với hình ảnh “Thủ tướng còn xuống tận nơi để thăm hỏi người dân trong vùng dịch. Làm việc trực tiếp với chủ tịch phường để nắm tình hình”.

Ở một tổ khác, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lúc này mới thổ lộ nỗi lo của mình những tháng cuối năm 2021: “Bản thân chúng tôi thấy nếu dịch còn kéo dài cuối năm thì chưa biết chuyện gì xảy ra, lương cán bộ chưa chắc đủ trả”.

“Cần giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ. Vậy giải pháp mới là gì? Nếu không bàn thì họp xong vẫn tắc. Băn khoăn nhất là như thế, chứ không phải không có nguồn lực.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Vẫn chuyện có tiền mà không tiêu được

Đại dịch đang dần qua và lúc này mối lo về tăng trưởng đang ập đến. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhấn mạnh phía trước là rất nhiều khó khăn.

Trước những cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng tác động tiêu cực từ điểm nóng Nga - Ukraine, rồi cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, ông Phúc lưu ý nguy cơ lạm phát đang xuất hiện ở thời điểm đầy khó khăn của nền kinh tế trong nước.

Nhắc lại quan điểm của Đại hội XIII, Chủ tịch nước lưu ý nhiệm vụ đầy thách thức là kinh tế năm 2022 và những năm tới phải đạt tăng trưởng cao liên tục thì mới đạt được mục tiêu đề ra. Mà như thế, “thể chế, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng” - ông nói.

Sinh hoạt với đoàn Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ra các thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng, trong đó ông “sốt ruột” với tiến độ giải ngân đầu tư công, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Vậy nên, giải pháp cho phục hồi kinh tế, cho tăng trưởng đơn giản là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

“Cần giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ. Vậy giải pháp mới là gì? Nếu không bàn thì họp xong vẫn tắc. Băn khoăn nhất là như thế, chứ không phải không có nguồn lực” - Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý: “Có tiền mà không tiêu được đang là băn khoăn nhất của trung ương”.•

Thách thức hiện hữu

Trên thế giới, lạm phát ở Mỹ đã lên mức lịch sử 8,3%. Từ xung đột Ukraine, chính sách “zero COVID” của Trung Quốc, giá cả hàng hóa châu Âu, châu Á đều tăng.

Trong nước chúng ta cũng đang chịu áp lực lạm phát, tăng lãi suất ngân hàng. Lãi suất tiền gửi ngân hàng thương mại đã 7,3% thì đầu ra cho vay phải trên 10%, áp lực rất lớn tới doanh nghiệp, mà hệ quả là giá thành sản xuất cao, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong vòng xoay ấy, một số ngân hàng thương mại nợ xấu cao, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó khăn, qua đó ảnh hưởng đến việc làm, thu ngân sách.

Đất nước vừa trải qua đại dịch, vấn đề cốt lõi là làm thế nào để tăng năng lực cho nền kinh tế. Muốn vậy phải nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp - thành tố động lực quan trọng nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế. Muốn vậy mọi cấp, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách vốn, tiếp cận đất đai, quản lý… tất cả vì doanh nghiệp.

Nguồn lực nhà nước là quan trọng nhưng hiệu quả phải nằm ở khả năng kích thích đầu tư của xã hội và của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.