Xem xét cấm kinh doanh nếu ép người vay tiền mua bảo hiểm

(PLO)- NHNN sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên, đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với PLO ngày 27-2, một nhân viên tín dụng ngân hàng thương mại cho biết đối với khách hàng vay mới, theo mục đích sản xuất kinh doanh, hiện ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất từ 11,5 - 12%/năm. Tuy nhiên, khách hàng chỉ được hưởng mức lãi suất này nếu đồng ý mua bảo hiểm nhân thọ. Trường hợp không mua bảo hiểm thì mức lãi suất cho vay sẽ là 13,5%/năm. Được biết, đây là lãi suất cho vay ngắn hạn và cố định trong 10 tháng.

Gần đây, Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QL-GSBH) cũng nhận được nhiều phản ánh về tình trạng nhân viên ngân hàng thương mại ép khách hàng mua bảo hiểm.

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục QL-GSBH, Bộ Tài chính cho biết: "Năm 2022, chúng tôi đã lên kế hoạch thanh tra 10 doanh nghiệp bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng và đã thực hiện được 4 cuộc thanh tra, đang trong quá trình hoàn thiện kết luận. Nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, sẽ xử lý nghiêm hoặc phối hợp với cơ quan công an xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự. Năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra giám sát với kênh này".

Để siết việc "ép buộc" khách hàng mua bảo hiểm, ông Ngô Việt Trung cho biết thêm Cục đang trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022 cũng như các văn bản hướng dẫn luật liên quan.

"Việc xử phạt bao gồm các hình thức phạt bằng tiền và các hình thức phạt bổ sung. Thậm chí, hình phạt bổ sung có thể sẽ là hình thức cấm hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn với nghiệp vụ nếu vi phạm nghiêm trọng”- ông Trung nói.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. NHNN sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên, đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm và TCTD chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn yêu cầu các TCTD tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống để phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm. Đặc biệt là hành vi “ép”, gắn việc mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Phó Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục rà soát, cập nhật các văn bản quy định nội bộ về hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ pháp luật, trong đó quy định chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm.

"Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc (KPI) để không gây áp lực đối với nhân viên kinh doanh, không để xảy ra trường hợp nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm" - ông Sơn nói.

Để siết việc "ép buộc" khách hàng mua bảo hiểm, ông Ngô Việt Trung cho biết thêm Cục đang trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022 cũng như các văn bản hướng dẫn luật liên quan.

"Việc xử phạt bao gồm các hình thức phạt bằng tiền và các hình thức phạt bổ sung. Thậm chí, hình phạt bổ sung có thể sẽ là hình thức cấm hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn với nghiệp vụ nếu vi phạm nghiêm trọng”- ông Trung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm