Theo báo cáo thị trường trái phiếu mới nhất do FiinGroup (nhà cung cấp dịch vụ tích hợp về dữ liệu tài chính) vừa công bố, khối lượng phát hành trái phiếu trong tháng 8 sụt giảm rất sâu. Cụ thể, giá trị phát hành trong tháng đạt 9.400 tỉ đồng, giảm lần lượt 84% so với cùng kỳ và 58% so với tháng trước đó. Đây cũng là tháng phát hành thấp nhất cả năm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Các chủ đầu tư rất cần được khơi thông dòng vốn để phát triển dự án đúng tiến độ. |
Nhìn nhận về thị trường TPDN hiện nay, TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, cho biết: “Tại Việt Nam, thị trường TPDN phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Tuy nhiên, điều đáng mừng là có thể thấy những con số tăng trưởng. Giai đoạn 2017-2021, quy mô thị trường tăng 24% và đến năm 2021 là 56%”. Trong tổng dư nợ 1,4 triệu tỉ đồng từ trái phiếu đã phát hành thì có khoảng 700.000-800.000 tỉ đồng là của DN bất động sản (BĐS).
Hiện có nhiều lo lắng về việc ách tắc vốn đối với lĩnh vực BĐS. Chia sẻ về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đánh giá ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và BĐS được xem là bộ tứ liên thông của nền kinh tế. Khi bình thông nhau của tứ giác kể trên bị tắc sẽ khiến dự án dở dang, nợ đọng lẫn nhau, nợ xấu tăng.
Còn nhớ năm 2011, Nghị định 11 siết chặt quá đã khiến thị trường BĐS rơi vào khủng hoảng trong năm 2012. Khi ấy chúng ta đã phải có gói cứu trợ BĐS vào năm 2013 với quy mô là 30.000 tỉ đồng.
Khi việc huy động vốn từ thị trường TPDN trở nên khó khăn, nhiều DN đã niêm yết tìm cách cân bằng tài chính nhờ thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán hiện sụt giảm nghiêm trọng khiến dòng tiền của các DN BĐS cũng gặp khó.
Nói về giải pháp khơi thông nguồn vốn cho thị trường BĐS, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nêu quan điểm: “Cần khuyến khích các tập đoàn lớn phát hành trái phiếu. Ngoài ra, Chính phủ hay Bộ Tài chính cần phải có thông điệp về việc tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trái phiếu. Đặc biệt phải có kế hoạch xếp hạng cho tất cả DN BĐS để huy động nguồn vốn trung, dài hạn vững chãi và lâu dài”.
Phần mình, DN BĐS cần nhanh chóng đăng ký xếp hạng, bởi có lịch sử xếp hạng càng sớm thì sau này không chỉ tăng vốn bằng trái phiếu thuận lợi hơn, mà còn có thể phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn so với các DN khác.
TS Cấn Văn Lực bổ sung: “Các cơ quan chức năng phải tiếp tục kiểm soát tình trạng sốt đất nền, đầu cơ, thao túng giá… và đẩy nhanh đầu tư công, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Hiện nay nhiều DN vẫn chưa minh bạch sổ sách, do đó DN cũng phải hoàn thiện mình, minh bạch hơn thì mới có điều kiện tiếp cận nguồn vốn”.