Doanh nghiệp địa ốc tự tìm đường vượt khó

(PLO)- Doanh nghiệp phải áp dụng nhiều giải pháp, tự dựa vào chính mình, cơ cấu lại sản phẩm và tìm kiếm nguồn huy động vốn mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thanh khoản xuống thấp, huy động vốn khó khăn, tâm lý người mua e ngại, người mua có nhu cầu thực không có, nhóm đầu cơ lại ngại xuống tiền… nhiều khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) thời điểm cuối năm.

Các doanh nghiệp bất động sản cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để vượt qua giai đoạn thị trường thanh lọc. Ảnh: K.CƯỜNG
Các doanh nghiệp bất động sản cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để vượt qua giai đoạn thị trường thanh lọc. Ảnh: K.CƯỜNG

Ông LÊ HỮU NGHĨA, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành:

Cần tự lo cho chính mình và cơ cấu lại sản phẩm

Cái khó lớn nhất là hiện nay DN không bán được hàng. Thực trạng này cho thấy các sản phẩm hiện không phù hợp với thu nhập của người dân. Người thu nhập trung bình và thấp nhiều trong khi giá nhà lại quá cao, dẫn đến người mua ở thật không mua được.

DN không bán được nhà thì không huy động được vốn, đi vay cũng khó… rất nhiều yếu tố dẫn đến việc DN không có tiền. Không có tiền thì làm sao trả nhà thầu, gây nên khó khăn dây chuyền. Theo tôi, có hai giải pháp để tháo gỡ khó khăn hiện nay.

Ông LÊ HỮU NGHĨA

Ông LÊ HỮU NGHĨA

Thứ nhất, DN phải tự lo cứu mình, tìm nhiều cách như M&A (sáp nhập), huy động nguồn tiền khác từ liên kết, liên doanh DN nước ngoài có vốn hay tìm các quỹ đầu tư dài hạn… nói chung là chủ động nguồn vốn mới. Thêm nữa, DN cần tính lại giá phù hợp hơn, nếu không hạ giá thành được thì phải tính toán lại cơ cấu sản phẩm phù hợp cho người dân, làm nhà vừa túi tiền để đẩy lượng tiêu thụ mới. DN phải tự cơ cấu lại danh mục đầu tư, không đầu tư đại trà, dàn trải mà tập trung vào từng dự án.

Về chính sách, các DN mong muốn giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn bởi làm BĐS mà không giải quyết được bài toán pháp lý thì không có sản phẩm để bán. Nhà nước cần đồng hành, gỡ vướng pháp lý do DN, thúc đẩy nhanh dự án để khơi thông nền kinh tế vì BĐS liên quan đến rất nhiều lĩnh vực.

Ông NGUYỄN CHÍ NGHIÊM, Tổng giám đốc Đất Xanh Tech (Tập đoàn Đất Xanh):

Cần tồn tại qua giai đoạn thanh lọc thị trường

Một điều khá thú vị trong giai đoạn hiện nay là các công ty môi giới liên tục đón nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến BĐS Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài có hai đối tượng, một là DN, họ vào đầu tư BĐS công nghiệp, chuỗi cung ứng, dự án lớn; dạng thứ hai là các nhà đầu tư cá nhân, lượng người nước ngoài tìm kiếm mua BĐS Việt Nam tương đối nhiều, nhất là trong nửa đầu năm 2022.

Ông NGUYỄN CHÍ NGHIÊM
Ông NGUYỄN CHÍ NGHIÊM

Cách đây 10 năm ở Trung Quốc có những tòa nhà xây thô xong mà chưa bán. Sau này tôi được biết thời điểm đó chính phủ Trung Quốc siết chặt, các chủ đầu tư phải gần như xây cất nóc xong mới được bán. Có lẽ trước đó họ cũng trải qua khủng hoảng nên sau này họ thanh lọc, chỉ giữ lại những chủ đầu tư có năng lực thật sự.

Thị trường có lên có xuống, chắc chắn mỗi lần khủng hoảng xong thì sẽ có sự vươn lên của các đơn vị lớn, thậm chí rất lớn. Tôi nghĩ đây là thời điểm thanh lọc, DN nào tồn tại qua thời điểm này, can trường và chuẩn bị cho những cơ hội mới, đầu tư công nghệ thì sẽ vượt qua khó khăn.

Ông LÊ VĂN HẢI, Tổng giám đốc Công ty TNHH BĐS Anphareal:

Giảm nhân sự không cần thiết

Các DN cần rà soát thật kỹ cả ba yếu tố là sản phẩm, marketing/sale và hệ thống. Từ đó đưa ra chiến lược tài chính, sản phẩm, marketing/sale và chiến lược về hệ thống, kiểm soát nợ, xây dựng hệ thống kênh phân phối hiệu quả… Việc trước mắt cần làm ngay đó là tối ưu chi phí vận hành bằng việc tối ưu nhân sự (đa nhiệm), giảm nhân sự ở các khâu không cần thiết.

Ông LÊ VĂN HẢI
Ông LÊ VĂN HẢI

Ngoài ra, các DN cần tránh sử dụng đòn bẩy tài chính mà phải bám sát khách hàng mục tiêu để đưa ra được những sản phẩm phù hợp. Thị trường còn khó khăn trong cả năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu về BĐS của người dân luôn có, đặc biệt là nhu cầu thực và nhu cầu tích sản.

Ông NGUYỄN HOÀNG VIỆT, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - đơn vị phát triển và phân phối BĐS:

Quan tâm đến bất động sản cho thuê

BĐS đang đối diện với nhiều thử thách, cả người mua và người bán đều có khó khăn riêng khiến thanh khoản sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ và cơ hội đang đến với nhóm môi giới cho thuê căn hộ trung cấp, bình dân và các môi giới thực hiện mua bán, chuyển nhượng thứ cấp tại các dự án bị lãng quên trong cơn sốt giá trước đó.

Ông NGUYỄN HOÀNG VIỆT
Ông NGUYỄN HOÀNG VIỆT

Việc thanh lọc là cần thiết để loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng và các thành phần môi giới tự phát gia tăng hàng loạt trong thời gian qua.

Kiến nghị tổ công tác gỡ khó bất động sản gặp trực tiếp doanh nghiệp

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) và cộng đồng DN rất kỳ vọng vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, DN.

Thực tế là có khoảng 70% dự án bị vướng mắc pháp lý nên quyết định trên được ban hành rất kịp thời, tác động tích cực ngay tức thì, phần nào lấy lại niềm tin và ổn định thị trường.

Do đó, HoREA đề nghị tổ công tác khẩn trương làm việc với UBND TP Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh trọng điểm. Ngoài ra, sắp xếp gặp trực tiếp các DN để nghe trình bày các vướng mắc, khó khăn cụ thể và có hướng hỗ trợ phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm