Doanh nghiệp gây ô nhiễm, xử cả người đứng đầu

“Trước đây, Công ty Hào Dương ở TP.HCM đã xả thải vượt quy chuẩn nhiều lần, bị xử phạt tới 6,3 tỉ đồng, tái phạm nhiều lần với tính chất nghiêm trọng, gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội và môi trường. Tuy nhiên, nếu theo quy định tại dự thảo BLHS (sửa đổi) thì sẽ không thể xử lý hình sự được công ty này vì lưu lượng xả thải của họ chỉ đạt khoảng 1.500 m3/ngày” - GS Hạnh đặt vấn đề.

Khó xác định ngay hậu quả để khởi tố

Theo GS Hạnh, dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự pháp nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường là lưu lượng nước thải phải từ 12.000 m3/ngày trở lên. “Trong khi đó, số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nước ta có lưu lượng xả thải trung bình thấp hơn mức này rất nhiều. Quy định như vậy là không hợp lý” - GS Hạnh nói.

Một bất cập khác, quy định về các tội phạm môi trường trong dự thảo chủ yếu dựa trên cấu thành vật chất, tức phải có hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, với các tội phạm môi trường thì hậu quả này rất khó xác định được ngay. Tác hại của tội phạm môi trường thường diễn ra trong lâu dài, thầm lặng, không dễ dàng nhận thấy sau một hai ngày mà có thể phải hàng chục năm sau mới phát sinh. “Quy định dựa trên cấu thành vật chất sẽ rất khó xử lý, khó chứng minh. Nên chăng chỉ cần pháp nhân có hành vi phạm tội là có thể khởi tố” - GS Hạnh đề xuất.

 
Công ty Hào Dương, một trong những doanh nghiệp trước đây từng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: AT

Xử người đứng đầu nếu chỉ đạo gây ô nhiễm

Trong dự thảo, các hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự gồm phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Hình phạt bổ sung bao gồm cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính). Ngoài ra, các biện pháp tư pháp áp dụng với pháp nhân phạm tội theo dự thảo gồm tịch thu vật, tiền, hàng hóa, phương tiện trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; khôi phục lại tình trạng ban đầu...

Theo GS Hạnh, cần bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của pháp nhân. Bên cạnh đó cũng cần quy định về trách nhiệm hình sự của người đứng đầu trực tiếp của pháp nhân trong trường hợp người này chỉ đạo hoặc ra quyết định hành chính gây ô nhiễm môi trường.

Tăng quyền điều tra cho cảnh sát môi trường

Một vướng mắc lớn hiện nay trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống các tội phạm môi trường nói chung, tội gây ô nhiễm môi trường nói riêng là vấn đề liên quan đến thẩm quyền điều tra của cơ quan cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường.

Cụ thể, cơ quan cảnh sát môi trường chỉ có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu, khi xét thấy có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển vụ án cho cơ quan CSĐT thụ lý. “Do không phải là cơ quan chuyên trách được đào tạo bài bản trong lĩnh vực môi trường nên khi thụ lý vụ việc, cơ quan CSĐT đã gặp không ít lúng túng, khó khăn. Trong khi đó, cơ quan cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên nghiệp, được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực đấu tranh với các loại tội phạm về môi trường thì lại chỉ được giao thẩm quyền điều tra ban đầu” - GS Hạnh chỉ rõ.

Ngoài ra, theo GS Hạnh, ngay trong công tác điều tra ban đầu, cơ quan cảnh sát môi trường cũng gặp phải không ít khó khăn do địa vị pháp lý của mình. Cơ quan này không được áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết cho hoạt động phá án (khám xét, tạm giữ, bắt người…) như cơ quan CSĐT.

Xử hình sự pháp nhân về tội gì?

Theo dự thảo BLHS (sửa đổi), pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về 32 tội danh, trong đó có các tội thuộc nhóm tội phạm môi trường, kinh tế, tham nhũng.

Trong nhóm tội phạm môi trường, dự thảo quy định truy cứu hình sự pháp nhân các tội gây ô nhiễm môi trường; tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại; tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; tội hủy hoại rừng…

Tăng mức phạt tội phạm môi trường

Dự thảo cần đa dạng các loại hình phạt và tăng nặng mức hình phạt đối với tội phạm về môi trường. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về các mức độ “nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”… trong các điều luật liên quan để dễ áp dụng.

Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, chuyên gia tư vấn của Bộ TN&MT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều